+
Aa
-
like
comment

Giới khoa học cảnh báo biến thể nCoV đột biến nhiều nhất

01/09/2021 06:01

Mới đây, các nhà khoa học ở Anh đã cảnh báo về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đột biến nhiều nhất cho tới nay. Chủng này được đặt tên là C.1.2, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 5.

Kể từ đó, biến thể trên đã lan sang Anh, Trung Quốc, CHDC Congo, Mauritius, New Zealand, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ. Biến thể C.1.2 có thể lây nhiễm nhiều hơn các chủng nCoV khác và thoát khỏi tác dụng của vắc xin.

Biến chủng C.1.2 nhận được sự chú ý của giới khoa học vì nó có các đột biến gene giống với một số biến chủng nguy hiểm khác, như Delta.

Hôm 30/8, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi phát cảnh báo về biến chủng virus mang tên C.1.2. Cơ quan này cho biết dòng virus trên xuất hiện trên khắp các tỉnh của Nam Phi, tuy tỷ lệ mắc không cao.

Biến chủng C.1.2 lần đầu được phát hiện hồi tháng 5. Tuy vậy, đây không phải biến chủng chiếm ưu thế ở Nam Phi cũng như thế giới. “Ngôi vị” này vẫn thuộc về biến chủng Delta.

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy biến chủng C.1.2 đã được phát hiện tại đa số tỉnh của Nam Phi, cũng như 7 quốc gia khác tại châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.

Các dạng đột biến nguy hiểm

Cho đến nay, C.1.2 chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách biến chủng đáng quan ngại, hoặc biến chủng cần quan tâm, do chưa đạt các tiêu chí của tổ chức này.

Các biến chủng đáng quan ngại (như Delta) có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc nguy hiểm hơn với sức khỏe con người, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch. Trong khi đó, các biến chủng cần quan tâm gây ra nhiều ổ dịch ở nhiều quốc gia. Tuy vậy, chưa có bằng chứng cho thấy chúng có độc lực cao hơn hay dễ lây hơn.

bien chung c.1.2 anh 1
Biến chủng C.1.2 chưa được WHO đưa vào danh sách biến chủng đáng quan ngại/biến chủng cần quan tâm.

Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi đang tiếp tục theo dõi tần suất xuất hiện biến chủng C.1.2, cũng như cách nó tác động đến cơ thể con người. Một số thí nghiệm đang được tiến hành nhằm đánh giá tác động của các đột biến lên khả năng lây nhiễm và kháng vaccine của biến chủng.

Tiến sĩ Megan Steain, nhà virus học kiêm giảng viên bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa thuộc Đại học Sydney, cho biết cảnh báo đối với biến chủng C.1.2 được ban bố do các dạng đột biến bên trong chủng virus này.

“Chủng virus C.1.2 chứa một số đột biến từng được phát hiện trong các biến chủng đáng quan ngại”, bà nói. “Mỗi khi chúng tôi phát hiện những đột biến này, chúng tôi sẽ theo dõi biến chủng chứa chúng. Những đột biến này có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan hay khả năng xâm nhập hệ miễn dịch”.

Các nhà khoa hoc cần thêm thời gian để thử nghiệm những dự đoán này, tiến sĩ Steain cho biết.

“Trong khi chúng ta có thể khẳng định một vài dạng đột biến quan trọng có thể khiến virus lây lan mạnh hơn, chúng tôi nhận thấy các đột biến phối hợp với nhau và có thể tạo ra chủng virus mạnh hơn hoặc yếu hơn”, bà Steain nói. “Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mất nhiều thời gian. Sẽ còn nhiều điều cần phải làm”.

Vaccine vẫn hiệu quả

Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định chủng virus mới hoàn toàn có khả năng tuyệt chủng.

Virus corona thường xuyên đột biến để sản sinh ra các biến chủng mới. Tuy vậy, phần nhiều trong số chúng biến mất trước khi gây ra vấn đề với loài người. Một số biến chủng mới khá yếu và nhanh chóng tuyệt chủng.

Trong khi đó, nếu virus chứa một số dạng đột biến nhất định, chúng có thể vượt qua những thay đổi, tiếp tục sinh sôi và dần thay thế các biến chủng cũ. Đây là những gì các nhà khoa học quan sát được với biến chủng Delta.

“C.1.2 cần phải rất mạnh và có khả năng lây lan rất nhanh để có thể thay thế chủng Delta”, bà Steain nói. “Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời kỳ mà chủng C.1.2 có thể biến mất khi mật độ xuất hiện của chúng đang rất thấp”.

bien chung c.1.2 anh 2
Các nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá độc lực và khả năng lây nhiễm của biến chủng C.1.2, Ảnh: CNBC.

“Hiện tượng này từng được ghi nhận với chủng Beta và một số chủng virus đáng quan ngại khác. Chúng lây lan mạnh mẽ ở một số khu vực, nhưng không thể trụ lại qua thời gian và bị thế chỗ bởi các biến chủng lan truyền nhanh hơn. Do đó, các chủng này biến mất. Hiện tượng này có thể xảy ra với C.1.2”, bà Steain nhận định.

Theo bà, chúng ta có thể dự đoán hiệu quả của vaccine với biến chủng C.1.2 dựa trên các dạng đột biến, tương tự những gì chúng ta đã thấy đối với biến chủng Beta và Delta.

“Tuy vậy, trước khi chúng tôi làm thí nghiệm, điều này chỉ là phỏng đoán. Cho đến nay, vaccine đang có tác dụng tốt trong ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng, giảm khả năng nhập viện và tử vong do các biến chủng”, bà Steain cho biết.

Theo bà, mọi người chưa cần phải hoảng sợ trước biến chủng này. “Tuy vậy, điều quan trọng là phải theo dõi các biến chủng khác nhau”, bà khẳng định.

Trong khi đó, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi cho biết họ đang thu thập thêm dữ liệu để hiểu hơn về biến chủng C.1.2.

“Dựa trên hiểu biết của chúng tôi về các dạng đột biến trong biến chủng này, chúng tôi nghi ngờ virus có thể vượt qua một phần hệ miễn dịch. Tuy vậy, vaccine vẫn sẽ có sức bảo vệ cao, giảm khả năng nhập viện hay tử vong”, cơ quan này nhận định.

(Theo Guardian)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều