+
Aa
-
like
comment

Giải thưởng từ Việt Nam đã làm lu mờ Nobel

21/01/2022 11:56

Tối qua, một người bạn từ Mỹ đã nhắn về: “Giải thưởng từ Việt Nam – Vinfuture Prize đã làm lu mờ Nobel!“. Tôi hiểu rằng lời khen đó còn hàm ý hoài nghi do giá trị giải thưởng trao quá lớn, vượt cả giải Nobel được coi là danh giá nhất toàn cầu. Nhưng theo dõi tường thuật trực tiếp lễ trao giải, nhìn rõ sự có mặt trân trọng của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên thế giới trong khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội ngay giữa thời đại dịch; Đọc danh sách hội đồng xét giải gồm toàn những tên tuổi khoa học lẫy lừng, chứng kiến sự xúc động nghẹn ngào của các nhà khoa học nhận giải, tôi tin chắc Vinfuture Prize đã thật sự xác lập được uy tín, giá trị toàn cầu, từ Việt Nam, đối với khoa học và mục tiêu phụng sự nhân loại của nó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng danh giá cho 3 nhà khoa học

Bốn giải thưởng đến từ Việt Nam được trao lần thứ nhất, không nghi ngờ gì cả, đều là những thành quả nghiên cứu khoa học vĩ đại. Nhưng cá nhân, tôi đặc biệt xúc động và ngưỡng mộ với giải thưởng trao cho hai vợ chồng Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim người Nam Phi, với công trình nghiên cứu sản xuất một loại gel có chứa dược chất tenofovir – sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Không hiểu sao, khi dáng vẻ khổ hạnh khoa học xuất hiện trên sân khấu, tôi cứ đinh ninh họ là người Ấn Độ hoặc Banglades. Có lẽ cũng không phi thực tế lắm, nhất là khi nhắc đến họ, người ta đã nhấn mạnh đến yếu tố khó khăn, thiếu thốn điều kiện nghiên cứu và nỗ lực bội phần của các nhà khoa học các nước thế giới thứ ba và cho thế giới thứ ba – cũng là cho toàn nhân loại. Nó thật sự là một sự khích lệ lớn cho sứ mệnh nghiên cứu khoa học của thế giới trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Trao giải Vinfuture lần I cho họ, ngoài tôn vinh giá trị khoa học to lớn còn là sự đề cao một ý nghĩa nhân văn cao cả, thật sự mang tầm nhân loại.

Nó cũng ngọt ngào và nhân văn như âm hưởng tuyệt vời của bản Imagine mà danh ca 44 tuổi John Legend tự đệm đàn và cất lên.

Anh là một ca sĩ lừng lẫy đã giành được 10 giải Grammy, 1 giải Quả Cầu Vàng, 1 giải Oscar, và trong năm 2007, từng nhận được giải thưởng Starlight Award đặc biệt từ Songwriters Hall of Fame. Có lẽ đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, khán giả được nghe một ca sĩ vĩ đại biểu diễn như đốt cháy một ca khúc vĩ đại. Và vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương, nhà sáng lập giải, đã là người đem lại điều đó.

Màn xuất hiện lộng lẫy, giải thưởng lớn lao tôn vinh những công trình khoa học danh giá, Vinfuture Prize đã phần nào đó giúp giảm bớt mặc cảm tự ti khoa học của Việt Nam và đóng góp thiết thực vào sự khích lệ phát triển khoa học của toàn thế giới. Điều này lớn lao và có ý nghĩa hơn nhiều so với những con số khổng lồ đã chi ra cho giải thưởng và tổ chức buổi lễ trao giải quá hoành tráng. Nó càng có ý nghĩa hơn, nếu ta biết rằng chỉ số đóng góp khoa học cho hành tinh và nhân loại của Việt Nam rất thấp, xếp hạng 124/125 năm 2014. Năm 2020, toàn cầu có 275.900 đơn sáng chế, Việt Nam chỉ vỏn vẹn 24 đơn, trong khi Trung Quốc có 68.720 đơn sáng chế!

Về tầm vóc đóng góp, cho đến nay một giải thưởng lớn nhất đến từ Việt Nam vẫn là duy nhất và chỉ có vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương cùng Tập đoàn Vingroup làm được. Dĩ nhiên, danh giá, uy tín còn phải phụ thuộc vào độ bền thời gian mà nó tồn tại. Để nuôi dưỡng và phát triển, nhà sáng lập và đội ngũ đồng hành sẽ còn phải nỗ lực lớn, trường kỳ. Dù sao bước đầu cũng đã rất thành công. Một ngọn lửa nhân văn cổ vũ và đóng góp cho sự phát triển khoa học và sứ mệnh phụng sự con người đã được thắp lên. Hy vọng nó sẽ cháy sáng mãi và không bị làm lụi tàn đi, không phải nhận thêm những hoài nghi tàn nguội…

Nguyễn Hồng Lam

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều