+
Aa
-
like
comment

Dịch Covid-19 chẳng sợ bằng đói nghèo

07/04/2020 17:48

Dịch bệnh là đáng sợ nhưng không sợ bằng cái đói. Nếu dịch kéo dài, việc cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu không đảm bảo thì xã hội sẽ dẫn tới hỗn loạn và bạo lực.

Người nghèo tranh nhau nhận phần cơm từ thiện.

Lúc này đây, cả thế giới đàn lao vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19, phương Tây thì còn phải chống chọi về khẩu trang, thiết bị y tế, tranh giành ảnh hưởng… Nhưng đâu đó trên thế giới đã xuất hiện tình trạng thiếu đói lương thực, thực phẩm ở tầng lớp yếu thế của xã hội, nhất là những người nghèo, nước nghèo sẽ rơi vào nguy cơ hỗn loạn.

Chỉ sau vài ngày ngắn ngủi, cuộc sống của 1,3 tỉ dân Ấn Độ bị đảo lộn bởi các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế lây lan dịch COVID-19. Nhưng đối với những người nghèo ở nước này, họ không chỉ đối mặt với dịch bệnh mà cả nghèo đói. Hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp của Ấn Độ làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo… Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Và đối với khoảng 120 triệu lao động nhập cư tại các thành phố, cái ăn và chỗ ở là vấn đề đáng sợ hơn cả virus.

Hàng ngàn người nhập cư cố tìm xe buýt trở về nhà ở ngoại ô New Delhi ngày 29-3, trước khi có lệnh đóng cửa thủ đô.

Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ 23 tỉ USD để giúp đỡ người nghèo, cung cấp lương thực, miễn phí cho 83 triệu gia đình, hỗ trợ tiền mặt cho 200 triệu phụ nữ. Nhưng khoản hỗ trợ chỉ chiếm 1% GDP của Ấn Độ, chẳng thấm vào đâu, chưa kể nhiều người lao động nhập cư nằm ngoài các cơ chế chi trả của nhà nước. Hàng trăm ngàn người đánh liều bỏ phố về quê, nhiều người nhập cư tranh giành nhau lên các chuyến xe buýt trở về nhà khiến cảnh sát phải dùng gậy để giữ trật tự. Chuyện hạn chế tiếp xúc xã hội chẳng còn quan trọng lúc này bởi lẽ trở về quê còn tốt hơn là ở lại thành phố mà không có thức ăn, nước uống. Ấn Độ vẫn ra sức chống dịch nhưng với người nghèo tại đất nước này lại không còn nhiều thời gian.

Ngay bên trong nước Mỹ, hơn 32 triệu người lao động không có ngày nghỉ ốm hưởng lương, và những người có thu nhập thấp lại càng ít có khả năng được hưởng chế độ này. Đối tượng này cũng ít có khả năng tiếp cận với các phúc lợi y tế và chăm sóc sức khoẻ, khiến họ trở nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát và lây lan. Đặc biệt có 69% người lao động thu nhập thấp không được hưởng chính sách nghỉ ốm có hưởng lương. Những người lao động có thu nhập thấp lại càng dễ bị tổn thương hơn khi họ chịu áp lực mất việc. Họ cũng thường là lao động phổ thông với những công việc chân tay không thể làm tại nhà. Điều đó có nghĩa là virus corona có thể khiến họ mất đi sinh kế, cũng như sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mình.

Mệt mỏi vì không còn xe về nhà.

Vì vậy, ngay lúc này cần có sự đoàn kết chung tay của toàn cầu, cần có một tổ chức của Liên Hợp Quốc làm trung tâm điều hành với sự vào cuộc của các nước lớn thì mới có thể dập được đại dịch một cách nhanh chóng và các hệ lụy xã hội do dịch bệnh gây ra. Hiện giờ không phải là lúc để tranh giành ảnh hưởng chính trị và cũng không phải là lúc giữ thái độ tự tin thái quá… Khi bạo loạn xã hội, khủng hoảng về lương thực thì tiền nhiều cũng không thể mua được những thứ đút vào miệng, vàng nhiều cũng không thể nhai được khi mà lương thực, thực phẩm thiết yếu, những thứ ăn được ngoài xã hội không còn. Khi đó sẽ là tranh cướp, giết chóc lẫn nhau để tranh miếng ăn và giàu nghèo đều như nhau cả.

Trong bối cảnh, dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành phức tạp trên toàn cầu, những lo ngại về vấn đề an ninh lương thực là có cơ sở. Cũng trong thời điểm này lúa gạo Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu với giá cao do nhu cầu từ các thị trường đang tăng lên. Đứng giữa thách thức và cơ hội đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc xuất khẩu gạo cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Thực tế thì nước ta cũng đang đảm bảo rất tốt vấn đề an ninh lương thực quốc gia cũng như vấn đề xuất khẩu. Trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4, tháng 5/2020 vào khoảng 800.000 tấn, sẽ giảm 40% so với cùng kỳ được phép xuất khẩu của năm 2019 để đảm bảo nhu cầu lương thực quốc gia. Trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5. Bộ Công Thương cũng cho biết, ngoài 300.000 tấn gạo dự trữ mà Tổng cục Dự trữ phải mua vào, cần giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng là 700.000 tấn. Vì vậy người dân Việt Nam không cần phải lo lắng không có gạo để ăn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc xuất khẩu gạo cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phur còn yêu cầu việc chi trả hỗ trợ phải thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn.

Nhớ lại năm 1945 Việt Nam bị nạn đói do chính sách của phát-xít Nhật bắt người dân Việt Nam nhổ lúa trồng đay và bông, những thứ không thể ăn cứu sống người. May mắn mà có Đảng, Bác Hồ cùng toàn dân nổi dậy làm cuộc Cách mạng tháng 8/1945 giành chính quyền, cướp kho thóc của Nhật, của địa chủ phong kiến cho dân nghèo thì nạn đói mới được giải quyết. Lại nhớ những năm cấm vận cuối thập niên 1970 và thập niên 1980 sau giải phóng 1975 bị Liên hợp quốc, Mỹ và phương Tây cấm vận đủ đường trong một thời gian dài, cùng với sự thù địch của bành trướng Trung Quốc, cả nước rơi vào cảnh đói kém trong khi vẫn phải dồn toàn lực cho cuộc chiến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, toàn dân phải ăn độn khoai lang, khoai tây, rau má, bo bo…. Khi đó chỉ duy nhất nhân dân Liên-Xô và Cu Ba anh em giúp đỡ hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, thuốc men y tế chữa bệnh. Nói như thế để thấy “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nó quý giá như thế nào và cái giá trị đó đến nay người Việt Nam vẫn giữ nằm lòng qua từng thế hệ, cũng như từ đó mà truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách giúp nhau qua cơn hoạn nạn của người Việt Nam được hình thành và tồn tại một cách bền vững tới ngày nay. Nó làm nên mọi ý chí đặc trưng của người Việt Nam và từ truyền thống này chỉ có người Việt Nam mới nhanh chóng đứng dậy, cùng nhau đoàn kết vượt qua trước những khó khăn thử thách trong những ngày đại dịch dang diễn ra hiện nay. Mọi người dân vẫn đang rất bình tĩnh, đoàn kết, tin tưởng và sát cánh cùng đất nước và Việt Nam đang cho thấy “giặc” nào cũng phải đầu hàng.

Hạ Trắng (TH)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều