+
Aa
-
like
comment

Đại tá Tư Cang kể chuyện dùng 3kg vàng giải cứu tướng Mười Hương khỏi kẻ thù

14/06/2020 12:37

Đại tá Tư Cang nhớ như in câu chuyện dùng 3kg vàng để mua chuộc cai ngục tạo điều kiện giải cứu tướng Mười Hương khỏi ngục tù.

Một chiều trung tuần tháng 6, điện thoại tôi bỗng thông báo có cuộc gọi đến: “Bác Tư Cang”.

“Con vẫn ở TP.HCM chứ? Ông Mười Hương mất rồi, báo đài đồng loạt đưa tin. Tự nhiên nhớ và muốn kể những điều dễ thương về ông ấy”, giọng ông Tư Cang buồn rầu vang lên trên điện thoại.

Đại tá Tư Cang (92 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu), tên thật là Nguyễn Văn Tàu. Ông vốn là sĩ quan tình báo quân đội, nguyên là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63. Ông cũng chính là người cứu tướng tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương (bí danh là Mười Hương, vừa từ trần ngày 11/6/2020) ra khỏi ngục tù của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.

Đối với Đại tá Tư Cang, dù không gắn bó lâu dài với tướng tình báo huyền thoại Mười Hương, tuy nhiên mỗi cơ duyên để ông và tướng Mười Hương gặp nhau đều là những giây phút quý giá, đáng trân trọng.

Người khiến chính quyền Ngô Đình Diệm “5 lần 7 lượt” đòi thu phục

Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM), Đại tá Tư Cang xúc động kể về những dịp hội ngộ với tướng Mười Hương.

“Dịp gặp nhau giữa tôi và ông Mười Hương cũng chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên lần nào cũng cho tôi có mội cái nhìn mới mẻ, nể phục ông ấy”, Đại tá Tư Cang nói.

Đại tá Tư Cang kể chuyện dùng 3kg vàng giải cứu tướng Mười Hương khỏi kẻ thù - 1
Nhà tình báo Mười Hương lúc còn trẻ và khi về già.

Theo lời kể của Đại tá Tư Cang, ngày 26/10/1954, Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng ở miền Nam Việt Nam. Ông Mười Hương, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Nha tình báo, được cử vào miền Nam 6 tháng để tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Ngay những ngày đầu đặt chân vào Nam, ông cùng các cộng sự của mình đã viết nên những huyền thoại tình báo. Ít ai ngờ rằng, 6 tháng tưởng chừng ngắn ngủi như dự định, bỗng trở thành 10 năm đằng đẵng với những biến cố khó lường.

Năm 1960, Mười Hương bị khai báo, bị bắt và đưa đi giam giữ, tra tấn tại nhà giam Chín Hầm (Huế) do Ngô Đình Cẩn cai quản. Tại đây, ông bị Ngô Đình Nhu “5 lần 7 lượt” đòi thu phục nhà tình báo huyền thoại nhưng đều thất bại.

“Hồi đó tôi là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, được giao làm thư ký, ghi chép lại những điều ông Mười Hương kiểm điểm khi ra tù. Hồi đó, cứ ai đi tù ra đều phải làm kiểm điểm. Đó cũng là cơ hội để tôi được nghe lại những câu chuyện trong nhà giam Chín Hầm – một “máy xay thịt người” của chính quyền Ngô Đình Diệm, và cũng là cơ hội để hiểu rõ hơn con người của ông Mười Hương”, Đại tá Tư Cang kể.

Tại nhà giam Chín Hầm, Mười Hương được trực tiếp Ngô Đình Nhu (người được cho là lý luận sâu sắc, tinh ranh của chính quyền Ngô Đình Nhiệm) tra khảo. Đánh giá được Mười Hương “khác người”, không như những bộ đội khác, Ngô Đình Nhu lên kế hoạch thu phục Mười Hương vào bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm.

Sau nhiều lần tra khảo bằng những lý luận sâu sắc để đấu trí, Ngô Đình Nhu dùng ánh sáng 500kW chiếu thẳng vào mắt Mười Hương nhằm làm rối loạn dây thần kinh, để đo được độ thật của ông. Tuy nhiên, “5 lần 7 lượt” đều thất bại.

Năm 1962, Ngô Đình Nhu buộc phải chuyển Mười Hương về nhà giam tại Sài Gòn để chờ thời cơ tiếp tục thu phục. Trong những lần trực tiếp tra khảo, Ngô Đình Nhu phải thừa nhận Mười Hương là một người cộng sản ngoan cố, nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ. Nếu không thu phục được thì chắc chắn phải thủ tiêu.

Gợi ý của Biên tập viên »Chân dung ông Mười Hương – người thầy của những nhà tình báo huyền thoại »Chuyện về Tổng cục 2: Người phát hiện ra huyền thoại tình báo Mười Hương »Ông Mười Hương – Người thầy của những nhà tình báo lỗi lạc qua đời Đổi 3kg vàng để lấy… tướng tình báo

Tại nhà giam ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu tiếp tục lên kế hoạch thu phục Mười Hương. Đồng thời bố trí lực lượng canh giữ ông nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã tạo cơ may để tổ chức giải thoát ông ra khỏi lao tù.

“Trong cuộc đảo chính, cụm tình báo nhận nhiệm vụ từ Trung ương là giải cứu ông Mười Hương. Khi đó tôi là Cụm trưởng nên phải lên kế hoạch thực hiện”, Đại tá Tư Cang nhớ lại.

Tháng 11/1963, nhân thời điểm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm nhiều hỗn loạn, cụm tình báo lên kế hoạch thực hiện. Nhận biết được điệp viên Phạm Xuân Ẩn thông minh, giỏi ngoại giao, Cụm trưởng Cụm tình báo Tư Cang giao Phạm Xuân Ẩn giữ vị trí quan trọng trong cuộc giải cứu Mười Hương.

Sau khi thăm dò tình hình, điệp viên Phạm Xuân Ẩn báo với tổ chức phải chuẩn bị đủ 100.000 đồng (giá vàng thời điểm này là 3.000 đồng/lượng, tương đương hơn 3kg vàng) để mua chuộc cai ngục và đưa Mười Hương ra ngoài.

Đại tá Tư Cang kể chuyện dùng 3kg vàng giải cứu tướng Mười Hương khỏi kẻ thù - 2
Đại tá Tư Cang kể về chuyện giải cứu tướng Mười Hương khỏi ngục tù Ngô Đình Diệm.

“Phạm Xuân Ẩn hồi đó đi học ở Mỹ về, trước đó rất thân tín với ông Mười Hương. Việc Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ đi học cũng là do ông Mười Hương đề xuất, nên mối liên giao giữa hai người đặc biệt hơn người khác.

Trong cuộc giải cứu ông Mười Hương, bằng khiếu ngoại giao sẵn có cùng sự khôn khéo, Phạm Xuân Ẩn đã tiếp cận được cai ngục.

Sau đó, Ẩn ra điều kiện là viên cai ngục chỉ cần lơ là 15 phút để cho ông Mười Hương tự thoát ra ngoài, rồi giả vờ truy hô thì sẽ được nhận 100.000 đồng. Hồi đó 100.000 đồng lớn lắm, mua được cả căn nhà ở thành phố bây giờ”, ký ức về cuộc giải cứu cam go vẫn in rõ mồn một trong ký ức Đại tá Tư Cang.

Nhận được tin phải chuẩn bị đủ 100.000 đồng để mua chuộc cai ngục, là người đứng đầu cụm tình báo, Đại tá Tư Cang lo lắng vì số tiền quá lớn, tổ chức không thể lo đủ để đưa cho Phạm Xuân Ẩn. Tuy nhiên, việc giải cứu không thể trì hoãn, ông cùng đơn vị buộc phải đi vay mượn của một người tư sản yêu nước để giải quyết việc cấp bách.

Đúng như kế hoạch, giữa cuộc đảo chính hỗn loạn, viên cai ngục nhận 100.000 đồng và cho Mười Hương 15 phút tự tìm đường thoát thân. Nhờ vậy, nhiệm vụ giải cứu Mười Hương của ông Tư Cang và cụm tình báo diễn ra thành công.

Vị tướng chân chất, giản dị

Ra khỏi buồng giam, Mười Hương được Phạm Xuân Ẩn chở ra ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình). Sau đó, người của đơn vị tiếp tục chở ông về Bến Đình (Củ Chi) để gặp Cụm trưởng Tư Cang và tổ chức.

Do thời gian cấp bách, sợ quân địch truy đuổi, cuộc gặp gỡ của Mười Hương với tổ chức tại Củ Chi chỉ vỏn vẹn trong một bữa cơm.

“Lúc vừa ra khỏi nhà giam, ông Mười Hương gầy lắm, song gầy nhưng khoẻ khoắn. Khi ông ấy nói muốn ăn cơm, tôi lập tức nhờ một cô chuyên hỗ trợ tổ chức vào bếp ngay. Tổ chức hồi đó cũng nghèo, chỉ có lươn bắt được ngoài đồng, thế là có món lươn kho sả ớt đãi ông Mười Hương ra tù”, nói đến đây, Đại tá Tư Cang bỗng phì cười, đưa mắt nhìn xa xăm như nhìn về ký ức xưa.

Sau bữa cơm chóng vánh, cụm trưởng Tư Cang giao cho Mười Hương một chiếc xe đạp mới. Sau đó cả hai người, mỗi người một xe, đạp lên căn cứ ở Trảng Bàng (Tây Ninh).

Trong ký ức của Đại tá Tư Cang, ông Mười Hương là luôn mang đến năng lượng cho mọi người xung quanh. Thời điểm mới ra khỏi nhà giam sau gần 3 năm tù ngục, ông Mười Hương vẫn rất phấn khởi, tinh thần yêu nước vẫn trào dâng.

Đại tá Tư Cang kể chuyện dùng 3kg vàng giải cứu tướng Mười Hương khỏi kẻ thù - 3
Theo Đại tá Tư Cang, dù hôm nay tướng Mười Hương có mất đi, thì mãi tận mai sau người đời sẽ vẫn kính nể ông bằng tấm lòng đơn sơ và chân thật nhất.

Dù là người chuyên đạp xe đi tiền trạm các điểm để lập căn cứ, nhưng trong quãng đường từ Củ Chi đến Trảng Bàng, cụm trưởng Tư Cang vẫn không thể theo kịp Mười Hương – người bị kìm cặp gần 3 năm trong ngục tối.

Song, đối với Đại tá Tư Cang, điều làm ông nhớ và khâm phục nhất về tướng Mười Hương đó là con người hiền hậu, giản dị, chân chất, có lòng yêu nước đặc biệt. Theo ông, một người hội đủ tất cả yếu tố trên thì mới có thể xây dựng được một lực lượng tình báo hùng mạnh như Mười Hương đã làm.

“Sau này, rất nhiều lần gặp lại nhau sau giải phóng, giữa rất đông người, dù đã ở vị trí rất khác nhưng ông Mười Hương vẫn xướng to rằng “Đây là ông Tư Cang, người giải cứu tôi khỏi ngục tù chính quyền Ngô Đình Diệm năm xưa”.

Dù đảm nhận vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, ông ấy vẫn rất gần gũi, vẫn là người thầy đơn sơ như ở chiến trường năm xưa. Tôi chắc chắn rằng, dù hôm nay ông ấy có mất đi, thì mãi tận mai sau người đời sẽ vẫn kính nể ông bằng tấm lòng đơn sơ và chân thật nhất”, Đại tá Tư Cang xúc động.

Ngày 11/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã từ trần.

Tướng tình báo Trần Quốc Hương (bí danh là Mười Hương) tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Tham gia Cách mạng từ năm 13 tuổi, đến năm 1943 khi mới 19 tuổi, ông vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm 1948, ông bắt đầu làm công tác tình báo quân sự. Công việc chính ông phụ trách là tổ chức các mạng lưới trinh sát trong các trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn để xây dựng cơ sở cách mạng.

PV/VTC

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều