+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch EuroCham: “Chúng tôi tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam”

07/08/2021 08:30

Tâm lý đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có “phản ứng” trước sự bùng phát và lan rộng của đợt dịch Covid-19 thứ tư, sự bi quan về triển vọng ngắn hạn gia tăng.

Chân dung ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM).

EuroCham vừa công bố báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 2/2021. Đâu là những điểm nhấn quan trọng trong báo cáo này, thưa ông?

BCI là “phong vũ biểu” được EuroCham thực hiện thường xuyên nhằm đo mức độ cảm nhận của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về môi trường kinh doanh và triển vọng của các doanh nghiệp.

Trong báo cáo quý 2/2021 được EuroCham phát hành giữa tháng 7/2021, chỉ số BCI giảm gần 30 điểm so với 73,9 điểm trong quý 1/2021 xuống còn 45,8 điểm. Đây là mức sụt giảm đáng chú ý cho dù không “dốc đứng” như chúng ta từng thấy trong đợt bùng phát đại dịch đầu tiên vào quý 1/2020.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát mới đây đã làm gia tăng sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Gần 1/5 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (19%) tin rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý 3/2021. Con số này giảm so với mức 61% trong quý 1/2021. Điều này là không ngạc nhiên khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng. Việc phong tỏa và giãn cách xã hội gây ra sự gián đoạn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong một loạt các lĩnh vực và ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là các doanh nghiệp châu Âu vẫn tự tin về các kế hoạch kinh doanh. Hơn một nửa (56%) doanh nghiệp dự đoán tình hình sẽ được cải thiện hoặc ổn định trong quý 3/2021. Và khoảng 80% doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và đầu tư của mình tại Việt Nam. Điều này cho thấy bất chấp những thách thức ngắn hạn, các doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.

Chỉ số BCI giảm có phải là một chỉ báo cho thấy dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam sẽ giảm trong trước mắt?

BCI sụt giảm cho thấy phản ứng của doanh nghiệp đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 và những hạn chế về thương mại và đi lại. Mức độ ảnh hưởng này đối với đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam phụ thuộc vào thời gian kéo dài của đợt dịch thứ tư, tốc độ tiêm chủng và sự phục hồi của hoạt động thương mại.

BCI cũng chỉ ra nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc khẩn trương triển khai chương trình tiêm chủng cho cộng đồng. Hơn một nửa số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu (58%) cho rằng doanh nghiệp sẽ chịu những tác động tiêu cực đáng kể nếu nhân viên không được tiêm chủng vào năm 2021. Tuy nhiên, cho đến giờ, gần một nửa doanh nghiệp (44%) vẫn chưa thể tiếp cận vaccine.

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, trước mắt là quý 3/2021, triển vọng đầu tư của châu Âu tại Việt Nam vẫn khá tích cực bất chấp những thách thức hiện tại. Hơn một nửa (54%) thành viên dự kiến vẫn duy trì mức đầu tư hiện tại. Gần 1/5 (19%) doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư trong khi khoảng 27% doanh nghiệp có kế hoạch giảm.

Về lâu dài, khi Việt Nam tiêm chủng cho số lượng người dân đủ lớn và hoạt động thương mại bình thường trở lại, triển vọng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam vẫn tích cực. Đặc biệt, với việc Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực, các công ty và người tiêu dùng có thể hưởng lợi từ việc giảm và bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu cạnh tranh bình đẳng với các công ty từ các quốc gia khác mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do. Do đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư của châu Âu. Chúng ta sẽ sớm thấy được sự gia tăng thương mại và đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam khi đại dịch được kiểm soát. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa EU-Việt Nam đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông, sẽ có những dự án lớn nào của EU vào Việt Nam trong thời gian tới? Các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU quan tâm tại Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19 là gì?

Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp EU đầu tư vào nhiều lĩnh vực sau khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam bao gồm dược phẩm, sản phẩm công nghệ cao, thiết bị điện và xe hơi…

Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan đối với những mặt hàng này sẽ được xóa bỏ theo lộ trình được cam kết. Chẳng hạn, khoảng một nửa số dược phẩm của EU nhập khẩu vào Việt Nam đã được miễn thuế vào thời điểm hiệp định có hiệu lực vào tháng 8/2020, phần còn lại sẽ được giảm và miễn thuế theo lộ trình cho tới năm 2027. Tương tự, gần 70% mặt hàng hóa chất của EU cũng được miễn thuế kể từ tháng 8/2020 và các loại thuế khác áp lên mặt hàng này cũng dần được dỡ bỏ theo lộ trình các bên đã cam kết trong cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, EVFTA có ý nghĩa nhiều hơn là cắt giảm thuế quan, mặc dù đó là điều cần thiết. Đó là việc mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư EU vào nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, các nhà đầu tư châu Âu hiện có thể tham gia vào thị trường dịch vụ môi trường, giáo dục đại học và dịch vụ máy tính. Trong khi đó, trong lĩnh vực viễn thông, các công ty châu Âu có thể cung cấp dịch vụ thông qua liên doanh và tuân theo một số điều kiện nhất định. Và trong vòng 5 năm kể từ khi thực hiện, các nhà đầu tư EU sẽ được phép đầu tư vào một số ngân hàng thương mại cổ phần với mức sở hữu lên tới 49%.

Vì vậy, sẽ có rất nhiều cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư EU vào Việt Nam giai đoạn sau đại dịch. Tuy nhiên, để biến những cơ hội này trở thành những khoản đầu tư hiện thực trong dài hạn, EVFTA phải được thực hiện suôn sẻ và thành công. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục cải cách khung pháp lý và môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Vậy ông có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam để vừa chống đại dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, Chính phủ cần đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vaccine đầy tham vọng. Không có con đường nào để thoát khỏi đại dịch Covid-19 nếu người dân không được tiêm chủng đầy đủ và rộng rãi vì việc phong toả và thực hiện giãn cách không phải là giải pháp miễn dịch lâu dài và sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đảm bảo tiêm chủng kể từ khi đợt thứ tư bùng phát và sẽ có hàng chục triệu vaccine về trong những tháng tới. Thách thức bây giờ sẽ là đảm bảo rằng những liều này được phân phối nhanh nhất và ưu tiên cho các nhân viên y tế, những người trong các ngành thiết yếu như cảng và khu công nghiệp…

Về lâu dài, EVFTA tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại và đầu tư với khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng của hiệp định này, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục cải cách khuôn khổ pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ đẩy mạnh các sáng kiến ​​về chính phủ điện tử. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí bất hợp lý cho các doanh nghiệp, từ đó giúp tái đầu tư vào các hoạt động thương mại tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng hoan nghênh đẩy mạnh tiến trình cải cách lập pháp, giải quyết các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo và tiếp tục giảm số lượng ngành, nghề kinh doanh “có điều kiện”.

Trên hết, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics và cải thiện kết nối giao thông giữa các cảng, khu công nghiệp và các thành phố lớn sẽ giúp đảm bảo thêm nguồn vốn FDI trong tương lai. Chúng tôi biết rằng các công ty đang xem xét Việt Nam như một phần trong chiến lược Trung Quốc + 1. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực vận tải, hậu cần và các ngành công nghiệp hỗ trợ để tận dụng tối đa nhu cầu ngày càng tăng này.

Khánh Vy 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều