+
Aa
-
like
comment

‘Bêu tên’ người đi chợ quá 2 lần/ngày là cực đoan, tùy tiện trong chống dịch

07/04/2020 22:32

“Một số nơi, một số người, kể cả quan chức đang hiểu một cách lệch lạc, sai trái rằng khi có đại dịch như hiện nay, họ muốn làm gì, muốn hành xử với người dân thế nào cũng được”, TS, Lê Hồng Sơn nói.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng nhiều địa phương đang cực đoan, tùy tiện trong áp dụng biện pháp chống dịch Covid-19 /// Ảnh Đình Trường
TS Lê Hồng Sơn cho rằng nhiều địa phương đang cực đoan, tùy tiện trong áp dụng biện pháp chống dịch Covid-19

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng thời gian gần đây, một số địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Theo ông Sơn, đó chính là sự cực đoan, tùy tiện trong phòng chống dịch bệnh, gây ra nhiều hệ lụy.

Đánh giá cao những ngày qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương nhanh chóng, quyết liệt, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao như các biện pháp ngăn chặn lây lan, khống chế dịch, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp các thành phần, tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống; cả nước đồng lòng “chống dịch như chống giặc”; quân đội, công an, các thầy thuốc ngành y tế và nhiều lực lượng khác cũng vào cuộc;… tuy vậy, ông Sơn cho rằng, trong hệ thống vẫn còn có những khâu yếu, những sai sót, làm cho quyết tâm chống dịch, chống trì trệ đi đôi với phát triển các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước bị thách thức.

Cụ thể, theo ông Sơn, tại một số địa phương, một số lực lượng thực thi, thi hành pháp luật đang vin vào yêu cầu chống dịch Covid-19 để đưa ra các biện pháp tuỳ tiện, cực đoan, vượt ra ngoài chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng, làm trái quy định và chủ trương chung.

“Ta đã chứng kiến việc công luận phản ánh một loạt các giải pháp ở một số địa phương đưa ra làm dư luận băn khoăn, người dân lo lắng, lúng túng. Có thể đơn cử như biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”; biện pháp phạt, biện pháp xử lý người dân tuỳ tiện, cực đoan, thiếu cơ sở pháp lý; biện pháp buộc cách ly người dân các địa phương khác đến địa phương mình và tự ý đặt ra mức phí một cách vô lối. Cá biệt, có địa phương còn có sáng kiến bêu tên người dân đi chợ quá 2 lần trong 1 ngày”…, ông Sơn dẫn chứng.

Cn phân bit cht, nghiêm vi cc đoan, tu tin trong thc thi

Khi đưa ra các biện pháp trên, các địa phương nói rằng nếu không làm chặt, làm nghiêm thì sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan?

– TS Lê Hồng Sơn: Chặt, nghiêm là rất cần thiết. Trước đến nay vẫn có tình trạng áp dụng pháp luật thiếu chặt chẽ, do vậy mới nảy sinh tình trạng nhờn luật. Có phần do còn tồn tại việc ngại khó, lười biếng, vô cảm trong một bộ phận các lực lượng thi hành pháp luật. Họ hay biện hộ là lực lượng mỏng, yếu, do đối tượng vi phạm ranh ma, lắm thủ đoạn né tránh.

Tôi công nhận có lý do không làm chặt, làm nghiêm thì dịch bệnh sẽ lây lan. Nhưng mọi người cũng phải hiểu rằng, làm chặt, làm nghiêm thế nào cũng phải theo quy định.

Đây là quy định của luật Phòng chống dịch bệnh và trực tiếp là các chủ trương mà Chỉ thị số 16 của Thủ tướng đã xác định. Không được hiểu sai, hiểu và áp dụng tuỳ tiện. Phần quan trọng của những sai trái, cực đoan vừa qua ở một số nơi là do lười, do thực hiện hình thức, đối phó trong lực lượng chức năng.

Cần phân biệt chặt, nghiêm với cực đoan, tuỳ tiện trong thực thi. Cực đoan, tuỳ tiện hiện cũng là căn bệnh tồn tại ở nhiều nơi, trong không ít lực lượng. Các ví dụ mà công luận, báo chí phản ánh về các biện pháp, cách thức xử lý sai trái tại một số địa phương như ngăn sông, cấm chợ, dựng vật cản trên đường giao thông, buộc người ở địa phương khác đi cách ly, thậm chí có thu tiền khi đến địa phương mình hay đặt ra các biện pháp phạt, người đi chợ quá 2 lần bị bêu tên… đã vượt ra ngoài chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của T.Ư, vượt quá thẩm quyền được pháp luật quy định.

Có trường hợp do hiểu sai chủ trương của trên mà ” sáng tạo” ra, cũng có khi do hạn chế về nhận thức, trình độ mà tuỳ tiện.

Sự cực đoan, tuỳ tiện ở vài nơi hoàn toàn không thể ngụy biện là sáng tạo, làm chặt, nghiêm như ý kiến biện hộ. Lý lẽ ngụy biện này tôi đã nghe khá nhiều, khá quen khi trước đây khi còn đương chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xử lý văn bản sai trái của các địa phương. Đáng tiếc, dịp chống Covid-19 lại được nghe lại. Hiện tượng phá rào, vượt chuẩn, quá lạm vin cớ chống Covid-19 cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc, khẩn trương.

Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng trong tình hình dịch bệnh nguy cấp như thế này, việc áp dụng pháp luật cần sự sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, người đứng đầu các địa phương đang phải chịu áp lực về trách nhiệm?

– Dịch bệnh vốn nguy cấp, ai cũng rõ từ người dân đến các lực lượng, từ y tế, quân đội, công an đều vào cuộc tích cực, quyết liệt. Ban Chỉ đạo T.Ư, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ có chủ trương từng ngày. Đã có luật Phòng chống dịch bệnh, có chỉ thị của Thủ tướng. Theo tôi, cứ hiểu cho đúng, làm cho nghiêm các văn bản đó cũng đủ để ngăn chặn, đẩy lùi dịch hiện nay.

Các “sáng kiến” của địa phương như báo chí phản ánh là sự cực đoan, tuỳ tiện, vô cảm trước quyền lợi hợp pháp của người dân, lợi ích chung của cả xã hội. Tôi cho rằng, hiện nay, bên cạnh chống Covid-19 thì cũng cần chống cả sự cực đoan, tuỳ tiện, vi phạm pháp luật trong tình hình cấp bách này. Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế và cả Bộ Tư pháp nữa, cần quan tâm, không bỏ lọt hiện tượng vi phạm này ở một số địa phương.

Biện pháp cực đoan, tuỳ tiện sẽ ngăn chặn cố gắng, quyết tâm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội

Ông nhìn nhận thế nào về các hệ luỵ xã hội phát sinh từ các biện pháp cực đoan, tuỳ tiện như nhận xét ở trên?

– Việc xử phạt tuỳ tiện này, trước hết là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, một số trường hợp xâm phạm quyền tự do hiến định, mà kể cả trong tình trạng dịch bệnh, tình huống khẩn cấp cũng không được xâm phạm (cơ quan, người có thẩm quyền muốn chi phối, đụng đến cũng phải được pháp luật quy định rõ). Kể cả biện pháp phạt tiền hay thu phí, thu tiền của dân cũng phải được pháp luật quy định rõ, chứ không được tự ý, tuỳ tiện như vài nơi đang áp dụng.

Đáng tiếc, hiện ở một số nơi, một số người, kể cả quan chức, đang hiểu một cách lệch lạc, sai trái rằng khi có đại dịch như hiện nay, họ muốn làm gì, muốn hành xử với người dân thế nào cũng được. Biện pháp họ thực hiện núp dưới bình phong và chiêu bài “tính mạng con người là trên hết” để biện minh cho cách hiểu và hành xử sai trái, cực đoan của họ.

Hơn nữa, muốn xử lý một người thì luôn buộc cơ quan, người có thẩm quyền phải xác định rõ hành vi vi phạm, xác định rõ lỗi của người vi phạm và xác định rõ căn cứ, cơ sở pháp lý quy định việc xử phạt.

Hậu quả tiếp theo phải kể đến là gây thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, khi người dân địa phương này tới địa phương khác bị buộc phải cách ly 14 ngày. Kế hoạch kết nối hợp tác làm ăn bị đổ bể, hợp đồng bị huỷ bỏ. Ai phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này? Đặt rào cản, chướng ngại vật, không cho người, phương tiện lưu thông thì hậu quả nhiều lắm, nhiều người nói rồi.

Sau cùng, cao nhất là vi phạm nguyên tắc pháp chế, vi phạm chủ trương lớn xây dựng nhà nước pháp quyền, ngăn chặn cố gắng, quyết tâm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Từng là người chịu trách nhiệm “tuýt còi” các văn bản trái luật, ông có khuyến nghị gì về việc thực thi pháp luật trong chống dịch Covid-19 hiện nay?

– Bây giờ cần bám sát tình hình để có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhưng cũng không nên, không thể để tình trạng tuỳ tiện, tuỳ nghi ở một số địa phương, cơ sở như thời gian qua. Các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền ở T.Ư cần nhanh chóng, không thể chậm trễ, ban hành các văn bản pháp luật để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tạo sức mạnh đồng bộ trong cả hệ thống.

Việc này cần đồng bộ, khẩn trương, ngay từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống dịch. Khâu hướng dẫn thi hành pháp luật cần được củng cố. Lực lượng trực tiếp thực thi, áp dụng pháp luật cần được tăng cường cả về lượng cũng như về chất, nhận thức thông suốt;… dứt khoát không để tình trạng tuỳ tiện, cực đoan trong nhận thức, xử lý phòng chống dịch Covid-19 như một số nơi vừa qua. Đây là việc rất cần thiết, cấp bách hiện nay.

Thái Sơn/TN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều