Đó là tâm sự đầy chua xót của nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 8/3 trọn vẹn nhất đối với những người phụ nữ ấy chỉ là cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm. Giữa lòng Hà Nội phồn hoa đô hội vẫn còn thật nhiều những mảnh đời lam lũ, cực nhọc.
Trò chuyện cùng PV Lao Động, Bà Nghiêm Thị Tiện, 64 tuổi, bán hàng cháo sáng trong một ngách nhỏ ở quận Đống Đa chia sẻ nghẹn ngào, đôi lúc nước mắt chực trào: “Lâu lắm rồi cô không có mồng 8 tháng 3. Vì cuộc sống của cô vất vả như thế này thì làm sao nghĩ đến ngày đó được”.
Khi được hỏi về mong muốn trong ngày lễ của mình, người phụ nữ ấy trầm ngâm: “Cô không có mong muốn gì vì quen rồi. Mà có mong muốn cũng chẳng được nên thôi”.
Với nước da thấm sương gió theo năm tháng, bà cụ 70 tuổi mưu sinh với hàng nước mấy chục năm trời trên phố Ngọc Khánh, Hà Nội tâm sự về cả cuộc đời không có mồng 8 tháng 3: “Tôi thật sự chưa bao giờ được nhận quà. Nuôi con đến năm 26 tuổi thì con mắc bệnh tim chết. Sau đó tôi nuôi tiếp người cháu ngoại từ năm 2002, giờ cháu đã được 15 tuổi. Cháu mắc bệnh tim bẩm sinh. Từ 1 đến 4 tuổi, cháu phải trải qua hai lần mổ tim. Mồng 8 tháng 3, vẫn như mọi ngày, kể cả mồng 1 tết âm lịch, tết dương lịch tôi vẫn bán nước ở đây chứ biết đi đâu về đâu. Không làm lấy gì để sống, quán lúc đông lúc vắng thất thường. Ngày khá khẩm kiếm được 50.000 – 70.000 đồng. Ngày thường chỉ được 20.000-30.000 đồng thôi”.


Với nhiều người phụ nữ, mùng 8.3 cũng không khác ngày thường là bao nhiêu, họ vẫn phải vất vả ngược xuôi, bộn bề với những lo toan của cuộc sống. Chị Vân với xe hàng rong bán hoa quả trên đường Láng cũng cho biết: “Chồng cũng nghèo, chị cũng nghèo. Mồng 8 tháng 3 chị không có hoa, có quà. Chị vẫn đi bán như những ngày bình thường khác thôi”.


Còn bà Trương Thị Tuyến 62 tuổi mưu sinh chỉ với ấm chè xanh và dăm ba gói thuốc ngụ quận Ba Đình hàng ngày vẫn lặn lội hơn 10 cây số để kiếm sống. Bà cho rằng: “Những người cơm chưa đủ no như chúng tôi làm sao dám nghĩ đến mồng 8 tháng 3”.





(Theo Lao Động)