+
Aa
-
like
comment

7 lần tách cặp song sinh dính liền đáng nhớ của bác sĩ Việt Nam

16/07/2020 21:07

Trước ca mổ cho cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện tách thành công nhiều ca dính liền khác.

Ca mổ tách rời cho cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi đã kết thúc. TS.BS Trương Quang Định, Trưởng ê-kíp phẫu thuật, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thông tin ca mổ đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, hai bé còn cần thời gian để phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường. Song Nhi sẽ được theo dõi đến năm 18 tuổi.

Trước ca phẫu thuật này, các bác sĩ Việt Nam cũng từng mổ tách thành công nhiều cặp song sinh dính liền phức tạp.

Ca đại phẫu huyền thoại của y học Việt Nam

Gia đình hạnh phúc của anh Nguyễn Đức.

Đêm 25/2/1981, tại trạm xá Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), hai bé song sinh Nguyễn Việt – Nguyễn Đức chào đời trong hình hài dị dạng, dính liền phần bụng, có hai đầu, hai chân và một chân ngắn chừng hai mươi phân, một hậu môn và một bộ phận sinh dục. Đến năm 1986, Việt ngã bệnh bởi chứng viêm màng não và tình trạng ngày càng nặng, thậm chí có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người anh em song sinh đang dính liền thân thể với Việt, ngày 4/10/1988, các bác sĩ đã tiến hành ca đại phẫu thuộc loại phức tạp nhất: tách rời Việt và Đức.

Ca đại phẫu kéo dài hơn 15 giờ được thực hiện bởi ê-kíp mổ gồm 70 y bác sĩ đầu ngành và bác sĩ giỏi nhất của các bệnh viện, trung tâm y học ở TP.HCM được tập trung tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM).

Sau mổ, do di chứng của bệnh bại não và nhường phần lớn các bộ phận chung cho em trai, Nguyễn Việt sống thực vật tại Làng Hòa Bình (nằm trong Bệnh viện Từ Dũ). Ngày 6/10/2007, Việt đã qua đời.

Nguyễn Đức, với những phần cơ thể hoàn chỉnh nhất được anh Việt nhường cho, đã lớn lên, được học hành bài bản, sau đó lập gia đình và có 2 con sinh đôi, một trai, một gái.

Ca đại phẫu huyền thoại tách rời hai anh em trở thành dấu mốc trong lịch sử y học Việt Nam và trên thế giới.

Cac cap song sinh dinh lien o Viet Nam anh 1
Anh Nguyễn Đức khỏe mạnh, đã kết hôn và có 2 con trong khi người anh Nguyễn Việt đã qua đời. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh đầu tiên ở BV Nhi Trung ương

Năm 1996, hai chị em Nguyễn Thị Phương Hà và Nguyễn Thị Phương Ninh sinh ra cũng trong trạng thái dính liền nhau tại Quảng Ninh. Vừa chào đời, hai bé được chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội. May mắn, hai bé chỉ dính nhau phần mềm, phần da từ xương ức xuống rốn, không chung bất cứ bộ phận nào.

Ca phẫu thuật tách rời diễn ra trong gần 6 giờ. Sau mổ, hai chị em đều phát triển khỏe mạnh với các chỉ số bình thường. Thận bên trái của Hà ở vị trí thấp nhưng không ảnh hưởng đến chức năng.

3 ca tách cặp song sinh dính liền đáng nhớ tại BV Nhi đồng 2

Ngày 19/12/2012, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, đã mổ tách thành công cặp song sinh là hai bé gái dính liền nhau ở phần ngực và bụng.

Cuối tháng 8/2012, chị Nguyễn Thị Loan (quê ở Hà Tĩnh) vào Bệnh viện Từ Dũ và được bệnh viện chỉ định cho sinh mổ. Cặp song sinh ra đời nặng 3,4 kg, dính nhau ở phần ngực và bụng. Mỗi bé có phần đầu, mặt, 2 tay và 2 chân, cơ quan sinh dục ngoài và hậu môn phát triển bình thường. Mỗi bé có một cột sống, trong đó một bé bị vẹo cột sống do tư thế dính nhau gây nên. Ngoài ra, các bệnh nhi còn dính nhau phức tạp ở gan và tim. Cặp song sinh được giữ lại ở bệnh viện hơn 4 tháng để chuẩn bị cho ca phẫu thuật tách rời.

Ca mổ được thực hiện bởi ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp cùng với Viện Tim TP.HCM trong suốt 10 giờ. Quá trình mổ diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn dự đoán bởi hai bé chỉ dính nhau ở gan. Sau mổ, sức khỏe các bệnh nhi đều ổn định.

Ngày 26/11/2013, tại phòng mổ khoa Hồi sức tích tực và Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cặp song sinh Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng (14 tháng tuổi, quê Ninh Thuận) bị dính ngực đã được ê-kíp mổ tách thành công sau gần 7 giờ phẫu thuật.

Đây là cặp song sinh hiếm gặp khi dính liền phần bụng và ngực. Hai bé còn dính nhau phức tạp ở gan và tim.

Ngày 23/8/2017, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật tách rời cho cặp song sinh chào đời dính nhau phức tạp vùng cùng cụt đầu tiên của Việt Nam trong vòng 40 năm. Đây là cặp song sinh dính nhau vùng dưới thắt lưng, ở tư thế đấu lưng với nhau.

Hai bé gái Bảo Ân, Bảo Hân chào đời tháng 7/2016 tại Bình Phước, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Trải qua quá trình điều trị kéo dài một năm, các bác sĩ đã hội chẩn quyết định phẫu thuật tách dính.

Ê-kíp mổ tách cặp song sinh lên đến 40 người chia làm 8 kíp. Áp lực nhất trong ca mổ là phải chính xác tuyệt đối từng chi tiết và phải đặt ra hàng chục tình huống giả định. Việc có chung một tủy sống của 2 bé buộc bác sĩ phải đảm bảo dịch não tủy không tràn ra ngoài. Khoảng 30% ca mổ tương tự thường tràn dịch não tủy, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi.

Hai bé gái trải qua 3 lần phẫu thuật đặt túi giãn da, một lần mổ cắt lọc lấy túi giãn da ra và khâu lại. Sau 11,5 giờ, ca phẫu thuật tách dính thành công.

Ca phẫu thuật đáng nhớ ở bệnh viện tỉnh

Ngày 1/7/2013, tại một bệnh viện tỉnh lẻ vùng cao Tây Nguyên, hai bé song sinh dính liền đã trải qua ca sinh thường may mắn. Đây là lần đầu tiên cặp song sinh dính liền chào đời không qua phẫu thuật.

Mẹ của các bé là sản phụ Y Ổi, 31 tuổi, do không có dấu hiệu nào cho thấy các bé dính nhau, bác sĩ chỉ định sinh thường. Bác sĩ sản khoa Hoàng Văn Trung là người đã đỡ đẻ thành công trường hợp hy hữu và nguy hiểm này.

Sau khi hai bé chào đời, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài gần 2 tiếng và tách thành công hai bé gái song sinh dính nhau này. Ê-kíp phẫu thuật do 2 bác sĩ Trần Văn Hiền, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum và Trần Thanh Trí, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thực hiện.

Tách rời cặp song sinh dính liền ở gan

8h ngày 2/10/2019, 18 y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) bước vào cuộc mổ tách hai bé gái song sinh dính phần gan. Hai bé gái song sinh quê Quảng Nam chào đời tháng 8/2019 tại Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ phát hiện cặp đôi dính nhau phần gan từ trong bụng mẹ. Hai nhánh tĩnh mạch lớn đi qua tay trái của bé này thông với tay phải của bé còn lại. Các bộ phận tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu,… hoàn toàn độc lập.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, kết quả khảo sát sau chào đời thấy cặp song sinh dính liền phần gan, thông nối tĩnh mạch cửa trong gan.

BS Hiếu cho biết vấn đề khó khăn của ca phẫu thuật này mà ê-kíp cần xử lý là gan trẻ sơ sinh rất dễ vỡ, không có màng bao gan dai như trẻ lớn. Khi vỡ, máu chảy nhiều rất khó cầm nên phẫu thuật viên phải thận trọng để khống chế mạch máu thông nối giữa hai bên. Trẻ sơ sinh mất 80-100 cc sẽ tác động huyết học rất nguy hiểm. Ngoài ra, vấn đề kéo da phủ kín phần bụng sau khi tách rời để đảm bảo thẩm mỹ cho hai bé cũng là thách thức cho kíp mổ.

Quá trình mổ, thời gian gây mê kéo dài hơn dự kiến do một bé yếu hơn bé còn lại. Sau khoảng 3 giờ kể từ khi gây mê, hai bé được tách thành công, mọi việc diễn ra thuận lợi.

Các bác sĩ cho biết đây là ca phẫu thuật song sinh dính liền phần gan nhỏ nhất được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Nếu trì hoãn, các bé có thể gặp nguy hiểm, đồng thời người nhà của các bé cũng dễ bị ảnh hưởng tâm lý.

Sáng 11/10/2019, 9 ngày sau khi mổ tách rời, hai bé gái song sinh được xuất viện, các chỉ số hô hấp bình thường. Hai bé khỏe mạnh, hồng hào, sức khỏe hoàn toàn ổn định.

Phương Mai/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều