+
Aa
-
like
comment

“Vào cuộc” giải quyết khiếu nại, tố cáo triệt để ngăn diễn biến phức tạp

03/10/2019 19:11

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Một số lĩnh vực liên quan đến môi trường, đất nông, lâm trường, quyền của người mua nhà ở một số dự án trái phép tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.

Nguyên nhân khiến tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân là người đứng đầu né tránh hoặc không thực tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Trong năm 2019 có 478.237 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 4,3% so với năm 2018), với 304.180 vụ việc (tăng 9,1%), có 4.611 lượt đoàn đông người (giảm 0,6%). Các cơ quan hành chính tiếp nhận 299.544 đơn thư các loại, có 194.469 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 64,9% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 58.717 đơn khiếu nại, 22.199 đơn tố cáo với 23.357 vụ việc khiếu nại, 8.401 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.

Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, đó là: lĩnh vực môi trường; liên quan đến đất nông – lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng…. Trong đó, những khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 67,7 % tổng số đơn.

nguyen-hong-diep-1528438784200541059983
Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp

Đáng chú ý, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, hiện nay một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Chẳng hạn như quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại do có sự chênh lệch địa tô nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo pháp luật nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài với thái độ gay gắt, bức xúc…

Tình hình khiếu nại tố cáo đông người vẫn diễn ra phức tạp, biểu hiện ở chỗ nhiều đoàn đông người, nhiều vụ việc, nhiều công dân kéo tới trụ sở các cơ quan nhà nước cả địa phương và Trung ương với các băng rôn, khẩu hiệu, gây mất an ninh trật tự. Ở 1 số nơi, người dân sẵn sàng cản trở các hoạt động thi công của các dự án….

Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua…

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3/2019, khi tổ công tác của Thủ tướng thành lập do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đứng đầu đi vào hoạt động thì tình hình an ninh trật tự và công tác tiếp công dân, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này đã có chuyển biến rõ rệt. Ví dụ như khi tổ công tác của Chính phủ làm việc tại Hải Dương thì Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã nhận với tổ công tác sẽ trực tiếp cùng Chủ tịch tỉnh Hải Dương giải quyết một số vụ việc cụ thể. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình có trao đổi với tôi và đề nghị Ban tiếp công dân Trung ương hỗ trợ cho địa phương giải quyết một vụ việc kéo dài gần 30 năm.

Có thể nói, đây là ý thức và trách nhiệm rất đáng quý và có thể khẳng định được rằng, nếu cứ như thế này thì tình hình sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt hơn. Trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là Bí thư cấp ủy và Chủ tịch được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ nếu không làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo.

Theo Báo cáo của Chính phủ, so với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.
Về khiếu nại, so với năm 2018 giảm 5,5% số đơn và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại. Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,3% số đơn nhưng tăng 6,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 66,5% (tăng 1,2% so với năm 2018).

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ vẫn còn địa phương, đơn vị (nhất là ở cấp sở, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu theo quy định của Luật tiếp công dân, đặc biệt là trong các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người; trình độ năng lực một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa nắm bắt và áp dụng đúng quy định của pháp luật.

Tiếp công dân là thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, sẽ tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Nếu công tác tiếp công dân được thực hiện tốt ngay từ cấp chính quyền cơ sở thì niềm tin ấy sẽ tạo nên sự ổn định, an toàn trật tự xã hội.Từ thực tế và báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2018 đều cho thấy, tình trạng Chủ tịch UBND các cấp không thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Tố tụng hành chính.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần các biện pháp hành chính mạnh của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng này. Bởi nếu kéo dài tình trạng như vậy thì hậu quả là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền.
Trong buổi phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về các vấn đề về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ hồi giữa tháng 10/2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tinh thần phải dựa vào dân, phục vụ nhân dân, giải quyết tâm tư nguyện vọng cho dân. Tình trạng người dân vẫn còn khiếu nại là vì ít khi chủ tịch xã, huyện tiếp dân lắm hoặc tiếp không đến nơi đến chốn, không có trách nhiệm với nhân dân. Đối thoại là kênh rất quan trọng để dân thấy được nguyện vọng của mình được lắng nghe.

Dân tộc Việt Nam với 100 triệu dân phải làm sao chung một ý chí quyết tâm thì sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ. Nếu phát động được quần chúng, giám sát, thúc đẩy thì nhiều việc tốt sẽ được làm mà không tốn kém tiền bạc.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều