+
Aa
-
like
comment

Từ vụ Mã Pì Lèng bị xâm hại: đừng thêm vết “ sẹo” lên di sản

11/10/2019 19:10

Những ngày gần đây, hình ảnh ngôi nhà 7 tầng nằm chễm chệ trên địa điểm đẹp nhất của đèo Mã Pì Lèng sau khi được báo chí phản ánh đã dậy sóng dư luận.

Mã Pì Lèng bị xâm hại: trách nhiệm của cơ quan chức năng?

Đèo Mã Pì Lèng là đoạn QL4C dài khoảng 20km nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam. Khu vực đèo Mã Pì Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xếp hạng di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia năm 2009. Đỉnh đèo cao 2.000m, là con đường hiểm trở trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được UNESCO chính thức công nhận danh hiệu vào năm 2010.

Thế nhưng, công trình kiên cố 7 tầng mang tên Paronama vẫn mọc lên tại đây, vi phạm Luật Di sản văn hoá, Xây dựng, Đất đai… Công trình xây dựng từ 2018 và hoàn thành vào đầu 2019. Từ đó, dư luận bức xúc đặt câu hỏi: “Khi một Panorama to đùng như vậy xây dựng trên Mã Pì Lèng, các cơ quan chức năng ở đâu, làm gì?”.

Tòa nhà xây dựng không phép trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng chính quyền địa phương và chủ tòa nhà đều phải có trách nhiệm thống nhất phương án xử lý tối ưu nhất.

01910070807sampl

UBND tỉnh Hà Giang cho rằng vị trí xây dựng NN-NH Panorama nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pí Lèng (danh thắng Mã Pì Lèng). Tuy nhiên, theo điều 36 Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó, cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Có thể khi lập quy hoạch vùng danh thắng Mã Pì Lèng, các nhà làm quy hoạch không thấy được các công trình khu vực đèo tác động trực tiếp tới di sản. Nhưng các cơ quan quản lý di sản, quản lý xây dựng trên địa bàn huyện Mèo Vạc, các sở Xây dựng, TN-MT, VH-TT&DL tỉnh Hà Giang phải nhận diện được việc xây dựng các công trình này tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên danh thắng Mã Pì Lèng.

Cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá được các tác động tới di sản chứ không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di sản thì người dân, doanh nghiệp muốn xây gì cũng được. Việc để xảy ra sai phạm phần lớn là do công tác quản lý đầu tư xây dựng, bảo vệ di sản, thắng cảnh tại địa phương không chặt chẽ.

Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh Hà Giang phải chịu trách nhiệm tùy theo lĩnh vực quản lý của mình. Ở cấp huyện, các phòng chuyên môn có thể trình độ hạn chế không nắm hết được, nhưng ba sở còn lại liên quan tới công trình sai phạm là Xây dựng, TN-MT, VH-TT&DL không thể đứng ngoài cuộc.

Đây không phải xây dựng một cái lều mà là một công trình quy mô 7 tầng sai phép, xâm phạm di sản ở một vị trí nhạy cảm, bất kỳ người dân nào cũng có thể nhìn thấy thì các sở, ngành của tỉnh phải chịu trách nhiệm và sớm có biện pháp xử lý triệt để sai phạm.

“Chưa nói tới Luật Di sản văn hóa thì công trình này đã vi phạm Luật Xây dựng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý địa phương. Vì một xã hội tuân thủ luật pháp, hãy góp phần lên tiếng để xử lý tất cả hành vi vi phạm pháp luật nói chung, không chỉ pháp luật về trật tự xây dựng. Phải làm sao có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt danh thắng Mã Pì Lèng trong thời gian tới” ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL nói.

Xin đừng có thêm những vết “ sẹo” lên di sản

Từ Mã Pì Lèng, nghĩ đến những “vết sẹo” mà nhiều khu du lịch ở Khánh Hòa đang gây ra cho thiên nhiên và cảnh quan môi trường. Đó là những “vét sẹo” ở Hòn Rùa, ở khu du lịch Bảo Đại, ở khu du lịch Ninh Phước (Ninh Hòa), dự án Nha Trang Sao… Nhiều dự án mang danh du lịch sinh thái nhưng vô tư lấn biển, phá rừng.

Giữa năm 2019, dư luận từng bức xúc gay gắt với khu di tích lầu Bảo Đại bị Công ty CP đầu tư Khánh Hà thuộc Tập đoàn Hà Đô “cạo trọc” để xây dựng biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar… Rồi còn có vụ việc trong khu vực quần thể danh thắng Tràng An (Di sản Thiên nhiên thế giới ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng lại xuất hiện công trình xây dựng hàng nghìn bậc thang lên núi Cái Hạ (còn gọi là núi Huyền Vũ) ngay trong vùng lõi di sản.

Rõ ràng, làm một công trình du lịch hài hòa với thiên nhiên luôn là bài toán khó, bởi một khi đã xâm phạm cảnh quan thiên nhiên thì hậu quả sẽ khôn lường.

Cuối tháng 7 vừa qua, dự một hội nghị về di sản do Bộ VHTT&DL tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chúng ta phải quán triệt tinh thần “cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Mặt khác, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích, rằng phải luôn sáng tạo, năng động để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại, di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững.

Những gì mà thiên nhiên ban tặng là vô giá. Chính vì thế, việc giữ gìn tài nguyên quý giá ấy cần có chiến lược, tầm nhìn, không thể cứ thấy lợi là làm. Bởi, phá đi bao giờ cũng dễ hơn khắc phục. Có những thứ bằng mọi giá phải giữ gìn, tôn tạo, vì đó là “của để dành” cho con cháu đời sau.

Hệ lụy tất yếu của việc thiếu kiểm soát khai thác di sản và chiến lược bảo tồn di sản sẽ đe dọa tới giá trị vốn có của di sản, và gây ra mức độ hiểm họa khôn lường trong việc gìn giữ giá trị di sản trong tương lai.

Làm du lịch phải có tính đột phá, nhưng với những gì thiên nhiên ban tặng, đột phá không có nghĩa là phải bằng mọi cách tận dụng, khai thác triệt để lợi thế thiên nhiên để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, việc UBND tỉnh cấp phép cho các dự án là phù hợp, nhằm phát triển du lịch, góp phần nâng cao chất lượng khai thác, cũng như bảo tồn giá trị thiên nhiên. Thế nhưng, không ít chủ đầu tư đã lợi dụng xây dựng phát triển các dự án để lấn biển, xâm phạm thiên nhiên, điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan mà còn vi phạm Luật Di sản.

Có lẽ, với thiên nhiên và cảnh quan môi trường, cách duy nhất để không có thêm những “vết sẹo” xấu xí ấy, chính con người phải biết cách hành xử, biết trân quý những giá trị tài nguyên thiên nhiên. Nếu chưa làm cho thiên nhiên đẹp hơn thì xin đừng làm tổn thương những nét đẹp vốn có.

Phạm Minh Hà 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều