+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc sẽ bớt “mơ ngủ”!

08/10/2019 16:45

Sáng 5/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techno Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2006-2019 và ký văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới.

Đây không chỉ là sự kiện quan trọng với hai nước, mà còn là mũi tên chĩa vào tham vọng lớn của anh bạn hàng xóm khổng lồ ở phương Bắc.

Việt Nam - Campuchia ký văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới
Việt Nam – Campuchia ký văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới

Củng cố tình thân với Campuchia

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia dài khoảng 1.245 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Từ năm 2006, Việt Nam – Campuchia đã tái khởi động công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước căn cứ theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005.

Tính đến tháng 12/2018, hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa.  Trung bình trên toàn tuyến biên giới đã phân giới cắm mốc cứ 670m có một cột mốc hoặc cọc dấu. Thời gian tới, hai bên tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành 16% khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại.

Bên cạnh đó, trên toàn tuyến có 41 cặp cửa khẩu (trong đó có 10 cặp cửa khẩu quốc tế) đang hoạt động. Tuy nhiên, theo các đại biểu, tiềm năng hợp tác, giao lưu còn rất lớn, nhất là khi cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối với các cửa khẩu được đầu tư nhiều hơn nữa. Vì vậy, hai bên đã thành lập “Nhóm công tác hỗn hợp về cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia” để trao đổi việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới giữa hai nước.

Theo đó, tại Hội nghị, hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Đây được xem là một cột mốc lịch sử, đánh dấu nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam và Campuchia trong việc xử lý vấn đề về cắm mốc biên giới.

Nếu như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Lễ ký trọng thể hôm nay là tuyên bố mạnh mẽ với khu vực và thế giới của hai quốc gia độc lập, có chủ quyền là Việt Nam và Campuchia về ý chí, quyết tâm hợp tác, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai nước”.

Thì Thủ tướng Campuchia khẳng định lễ ký kết hai văn kiện lịch sử hôm nay đã minh chứng rõ rằng tiến độ giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước đã tiến một bước đáng tự hào. “Đó cũng là sự nỗ lực, cố gắng của Ngài Thủ tướng Việt Nam và tôi, cùng với Ủy ban Hỗn hợp biên giới và chính quyền các cấp của hai nước trong 14 năm qua, kể từ sau khi ký kết Hiệp định bổ sung vào năm 2005 cho tới nay” – Thủ tướng Hun Sen nói.

Có thể nói, trong gần bốn thập kỷ qua, Việt Nam và Campuchia đã nỗ lực, cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới, triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước. Những nỗ lực đó đã đem lại những thành quả quan trọng, mới nhất là Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giai đoạn 2006-2019 và Lễ ký văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc, vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Đây không chỉ là sự kiện quan trọng với hai nước, mà còn là mũi tên chĩa vào tham vọng lớn của anh bạn hàng xóm khổng lồ ở phương Bắc.

Trung Quốc sẽ bớt “mơ ngủ”

Cũng trong hai thập niên qua, Trung Quốc ra sức vun đắp mối quan hệ với Campuchia bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như: Trung Quốc cam kết cho Chiến dịch Bầu cử Quốc gia của Campuchia 20 triệu đô la Mỹ để dựng phòng bỏ phiếu, máy vi tính và các thiết bị khác. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc công bố một gói viện trợ quân sự trị giá 100 triệu đô la và tuyên bố rằng Campuchia là một “người bạn trung thành”.

Bắc Kinh cũng làm việc cật lực để vun đắp lòng trung thành đó ở quốc gia láng giềng phương nam của mình. Để giúp Thủ tướng Hun Sen bù đắp sự phê phán ở trong nước và quốc tế, Trung Quốc đã gia tăng viện trợ và đầu tư, công bố các món cho vay ưu đãi trị giá hàng trăm triệu đô la, hỗ trợ các dự án hạ tầng cơ sở và nâng số du khách Trung Quốc thăm viếng Campuchia trong năm ngoái thêm hơn 40 phần trăm. Hiện nay Trung Quốc là nước viện trợ lớn nhất của Campuchia.

Mặt khác, Trung Quốc đầu tư cho Campuchia vì nước này có giá trị chiến lược nhất định về an ninh – quốc phòng, đặc biệt nếu thâu tóm, giật dây được Campuchia thì người Trung hy vọng có thể “vỗ mặt” Việt Nam, đe dọa đến cả vấn đề kinh tế, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ (cả đất liền và trên biển) của quốc gia hình chữ S.

Có điều, mặc dù vốn đầu tư của Trung Quốc mở ra nhiều dự án xây dựng trên khắp Campuchia, các nhà quan sát đã bày tỏ mối lo rằng “các dự án bạch tượng, các thành phố ma và các ngôi làng Potemkin” không làm được gì cho sự phát triển tương lai của đất nước.

Vì theo đúng cung cách làm ăn mà người Trung Quốc thực hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới, các công ty quốc doanh Trung Quốc mang theo lao động Trung Quốc để làm đường sá, đập nước, cầu cống mà không thuê mướn lao động địa phương hoặc chuyển giao kiến thức, chuyên môn cho các cộng đồng địa phương. Tiêu biểu cho cách làm này là đầu tư của Trung Quốc ở thành phố duyên hải Sihanoukville, nơi các sòng bài và du khách Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào.

Dĩ nhiên, dòng tiền Trung Quốc đổ vào đã đẩy Campuchia vào một mối quan hệ bấp bênh, nếu không nói là nguy cơ lệ thuộc vào Bắc Kinh. Campuchia hiện mắc nợ Trung Quốc hơn 4 tỉ đô la, bằng bốn mươi phần trăm tổng số nợ công chưa trả của quốc gia, theo một số dự tính.

Nên không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây, người dân Campuchia đã ý thức rõ quan hệ với Trung Quốc gây nguy hiểm tiềm tàng cho độc lập và chủ quyền của đất nước họ, khi mối quan hệ này chỉ mang lại rất ít lợi lộc cho người dân thường. Thậm chí, Giáo sư Vannarith Chheang tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) dự đoán chủ nghĩa bài Trung sẽ gây bất ổn xã hội giống thời Suharto ở Indonesia.

Đưa ra luận điểm trên để thấy, chuyện Trung Quốc lôi kéo Campuchia được ví như thể “người lạ dụ dỗ phá vỡ mối quan hệ anh em ruột thịt trong một gia đình” vậy. Ắt hẳn Trung Quốc đã lờ đi những gì Việt Nam – Campuchia đã cùng nhau gánh chịu, trải qua trong quá khứ, cũng như trong quá trình kiến thiết, xây dựng đất nước.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc vương Norodom Sihanouk có mối quan hệ rất thân tình, gần gũi. 40 năm trước đây, cùng với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Chính quyền cách mạng Campuchia đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, lập lên Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia (nay là Vương quốc Campuchia).

Kể từ đó, hai nước đã khẳng định tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác hữu nghị lâu dài về mọi mặt là nhân tố đáp ứng lợi ích sống còn của nhân dân hai nước. Bên cạnh việc không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác, hai bên luôn khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Cho nên, cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết từ trước, và  hai văn kiện ký kết này sẽ tạo khung pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển đường biên giới hai nước, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vừa thúc đẩy hợp tác phát triển, giữa hai bên, qua đó xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Nói cách khác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn sẽ cùng với Campuchia giữ gìn, phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở trong khu vực và trên thế giới.

Mong rằng, từ thực tiễn hiện hữu trên, Trung Quốc sẽ bớt “mơ ngủ” khi có ý đồ chính trị với Việt Nam  thông qua Campuchia.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều