+
Aa
-
like
comment

Tàu khảo sát “lởn vởn” bị Ấn Độ đuổi thẳng, Trung Quốc ra lệnh tàu bè tuân thủ chặt UNCLOS

Cánh Én - 13/12/2019 07:53

Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu thuyền phải xin giấy phép 7 tháng trước khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát khoa học ở các vùng biển nước ngoài.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, Trung Quốc đã yêu cầu các tàu nghiên cứu khoa học của nước này phải xin cấp phép trước khi hoạt động trên các vùng biển nước ngoài, sáu ngày sau vụ việc tàu nghiên cứu Shiyan-1 của Viện khoa học Trung Quốc bị Hải quân Ấn Độ trục xuất khi vận hành gần khu vực cảng Blair mà không thông báo và xin phép chính quyền sở tại. Vụ việc đã khiến New Delhi giận dữ.

Thị trấn Cảng Blair là nơi đặt hội đồng đô thị của quần đảo Andaman và Nicobar – lãnh thổ Ấn Độ ở Đông Nam vịnh Bengal. Quần đảo Andaman và Nicobar được xem có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ vì nằm tiếp cận một số tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.

Thông báo được Bộ ngoại giao Trung Quốc đăng tải trên website của cơ quan này vào ngày thứ Ba, 10/12, gồm các chỉ dẫn đối với tổ chức, đoàn thể và cá nhân của Trung Quốc muốn tiến hành nghiên cứu khoa học hàng hải ở lãnh hải nước khác rằng họ phải nhận được “thư chấp thuận rõ ràng” từ nước đó.

Theo thông báo này, các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa của nước khác cũng đòi hỏi tàu thuyền Trung Quốc phải xin phép nước sở tại.

“Các tổ chức và cá nhân phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), tuân thủ luật pháp nước sở tại, tuân theo chương trình nghiên cứu được quốc gia ven biển chấp thuận, và không tiến hành nghiên cứu khoa học ở các vùng nước thuộc quản lý của nước ngoài mà không đăng ký hoặc đăng ký nhưng không được phê duyệt,” thông báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc nêu.

Đô đốc Karambir Singh, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, tuyên bố về vụ tàu Shiyan-1, “Lập trường của chúng tôi là nếu anh làm bất kỳ việc gì trong khu vực của chúng tôi thì anh phải thông báo và được chúng tôi cho phép.”

Hồi tháng 9, tàu Shiyan-1 cũng bị máy bay trinh sát của Ấn Độ phát hiện tiến hành hoạt động trong EEZ ở Quần đảo Andaman và Nicobar.

Quy định trong UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển ấn định lãnh hải rộng 12 hải lý và EEZ 200 hải lý, đi kèm theo đó là quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu biển ở cả hai phạm vi này. Công ước cũng trao cho nước ven biển quyền chủ quyền đối với thềm lục địa, cũng như quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó.

Theo thông báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc, các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân muốn nghiên cứu khoa học phải nộp kế hoạch nghiên cứu cho Bộ ít nhất 7 tháng trước khi tiến hành, để Bộ này có thể đại diện cho họ đề nghị các nước cấp phép hoạt động. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể bác đơn của các đơn vị nếu phát hiện có hồ sơ về việc hoạt động trái với đăng ký.

Tuy nhiên, SCMP cho biết, thông báo trên không đề cập đến cơ chế hoạt động của tàu thuyền ở các vùng nước tồn tại bất đồng giữa Bắc Kinh với các láng giềng, như ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Hồi giữa năm nay, Trung Quốc đã bị lên án khi cử nhóm tàu Hải dương địa chất 8 tiến hành khảo sát trái phép trong vùng biển gần bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hồi tháng 7, “Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.”

“Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm,” bà Hằng nêu trong cuộc họp báo ngày 25/10.UNICLOS

Bài mới
Đọc nhiều