+
Aa
-
like
comment

Hà Nội chống ô nhiễm bụi mịn: Nghịch lý quét, rửa đường

22/12/2019 07:55

Việc quét, rửa đường không những khó giải quyết ô nhiễm bụi mịn hiện tại mà còn vô tình làm cho nguy cơ này tiềm ẩn nguy hại lớn.

Hà Nội đang lần mò

Ngày 20/12/2019, trao đổi với Đất Việt về việc Hà Nội tăng cường quét, rửa đường để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi mịn, PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, phương án này khó có thể giải quyết được dứt điểm vấn đề khi Thủ đô chưa tìm ra được nguồn gây ô nhiễm chủ yếu.

“Ô nhiễm bụi mịn mang tính chất đến từ nhiều nguồi khác nhau. Chính vì vậy, để giải quyết được thực trạng thì Hà Nội cần tìm ra được nguồn chủ yếu gây ra tình trạng bụi mịn hiện chủ yếu về ban đêm và rạng sáng. Nếu chưa tìm ra được thì tất cả các giải pháp không những vừa gây tốn kém mà còn tiềm ẩn nguy cơ sẽ ô nhiễm nặng hơn trong tương lai” – vị chuyên gia cho biết.

Theo ông Sỹ, hiện có 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bụi mịn là giao thông, sinh hoạt người dân, nhà máy công nghiệp, công trình xây dựng, từ địa phương khác lan sang.

Nhưng hiện nay cơ quan chức năng Hà Nội chưa xác định được nguồn nào chủ yếu gây ra ô nhiễm bụi mịn nên sẽ dẫn đến tình cảnh loay hoay giải quyết từng nguồn một hoặc có thể làm động bộ cùng lúc để giải quyết cả 5 nguồn này.

TP. Hà Nội đang có nghịch lý trong việc quét, rửa đường để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi mịn.

“Việc làm mò này nếu may mắn thì có thể làm đúng được vào vấn đề nào thì sẽ chấm dứt được tình cảnh ô nhiễm, nếu không thì chỉ số bụi mịn vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí còn cao hơn” – ông Sỹ cho biết.

Những ngày gần đây, TP. Hà Nội tăng cường việc quét, rửa đường tại nhiều khu vực để tìm cách khắc phục ô nhiễm. Nhưng theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc này sẽ khó giải quyết được vấn đề mà còn vô tình tạo ra một nghịch lý trong việc chống sự cố môi trường.

“Tôi thấy thông tin trên báo chí phản ánh, Hà Nội cho các máy quét hút bụi ở dọc các tuyến đường nhưng nhiều khi lại phun bụi quét, hút được lên trời. Cách làm này phản khoa học, làm cho tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn.

Còn việc rửa đường thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt là làm ướt bụi, không cho bụi bay lên trong một thời gian nhất định. Trong khi đó, số bụi này vẫn tồn tại ngoài trời, trải qua thời gian sẽ dồn lại thành một khối lượng lớn và đến một thời điểm nào đó sẽ bùng lên, ô nhiễm nặng hơn” – ông Sỹ bày tỏ.

Vị chuyên gia này cho biết, một số nước phát triển trên thế giới không bao giờ lấy việc rửa đường ra để giải quyết ô nhiễm. Mà trước tiên họ phải tập trung xác định nguồn gây ô nhiễm chính đến từ đâu để tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, họ cũng tạm dừng phần lớn những hoạt động sản xuất để cho việc ô nhiễm không trở lên trầm trọng hơn.

Nhưng tại Việt Nam lại đang tồn tại một nghịch lý là chỉ tập trung quét, rửa đường, bên cạnh đó các hoạt động như đào đường, san lấp đất, các công trình xây dựng vẫn diễn ra mạnh mẽ thì khó có thể giải quyết được vấn đề hiện tại.

Ha Noi chong o nhiem bui min: Nghich ly quet, rua duong
Các công nhân ở Hà Nội hút bụi thổi lên trời.

Điều căn bản nhất

Ông Sỹ cho biết, về các công trình nghiên cứu về nguồn ô nhiễm ở Thủ đô từ trước đến nay đã có rất nhiều nhưng cho đến hiện tại không sử dụng được. “Đó là do các công trình đó được làm một cách hời hợt, không cập nhật số liệu để đến bây giờ xảy ra sự cố thì số liệu đó đã quá cũ mà không thể dùng được.

Thông thường, các công trình về ô nhiễm môi trường cần phải được thực hiện, cập nhật hàng năm để nắm bắt được sự thay đổi. Có thể năm nay nguồn ô nhiễm này là chủ yếu nhưng năm sau thì lại là nguồn khác. Nhưng các công trình của chúng ta khi nghiên cứu xong thì thường cất trong tủ kính và cho đó đã một thành công” – ông Sỹ nói.

Chính vì thế, ông Sỹ cho rằng, điều cấp thiết lúc này là TP. Hà Nội cần có một công trình nghiên cứu quy mô và thường xuyên để xác định được nguồn ô nhiễm bụi mịn, từ đó có hướng giải quyết cụ thể.

“Việc nghiên cứu này có thể tốn kém cả về thời gian và tiền bạc nhưng còn có thể định lượng được. Còn khi đã xảy ra sự cố ô nhiễm thì chúng ta không thể định lượng được mức độ thiệt hại như thế nào” – ông Sỹ cho hay.

Vân Thanh/DV

Bài mới
Đọc nhiều