+
Aa
-
like
comment

Cuộc điện đàm kỳ lạ chưa từng thấy của Tổng thống Trump

27/09/2019 06:18

Cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Ukraine mang phong cách không giống ai nhưng lại là đặc trưng vốn có của tổng thống Mỹ, điều khiến ông vướng vào cuộc điều tra luận tội.

Điều bất ngờ vượt ra ngoài cú sốc chính trị và tội ác bị cáo buộc là sự tầm thường của cuộc điện đàm.

Một mặt của cuộc trò chuyện tháng 7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có sự nhạt nhẽo và nịnh bợ.

“Ông hoàn toàn đúng, thưa ngài Tổng thống. Không chỉ 100 phần trăm mà thực sự là 1.000 phần trăm. Kỹ năng và kiến thức của ông… Ông là một người thầy tuyệt vời cho chúng tôi”. Lần trước ở New York, ông Zelensky nói “Tôi đã ở Tháp Trump”.

“Ông thật tốt khi nói vậy”, ông Trump đáp lại, nhấn mạnh nhiều lần rằng “chúng tôi làm rất nhiều cho Ukraine”.

Cuoc dien dam ky la chua tung thay cua Tong thong Trump hinh anh 1
Tổng thống Trump hồ hởi nói về chiến thắng bầu cử của mình trong cuộc gọi với Tổng thống Enrique Peña Nieto của Mexico năm 2018. Ảnh: Washington Post.

Họ nói về châu Âu và Nga cùng mong muốn của Ukraine có thêm vũ khí của Mỹ. Và sau đó, ở đầu trang thứ ba của bản tường thuật thô gồm 5 trang, ông Trump giới thiệu chủ đề thống trị phần còn lại của cuộc trao đổi và gây ra sóng gió trong tương lai.

“Tôi muốn ông giúp tôi việc này”, ông nói.

Về bản chất, ông Trump bị cáo buộc đề nghị ông Zelensky rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ để đổi lấy việc chơi xấu ứng viên tổng thống Joe Biden.

Cuộc điện đàm chưa từng có

“Nó chẳng có gì giống với cuộc hội thoại giữa Richard Nixon hay Henry Kissinger và một nhà lãnh đạo nước ngoài”, Ken Hughes thuộc Trung tâm Miller tại Đại học Virginia, một chuyên gia về Nixon trong Chiến tranh Việt Nam và vụ Watergate, nói với Washington Post.

“Nixon có kiến thức rất chi tiết khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ông có thể khôn khéo trong các cuộc đàm phán và vẫn làm rõ quan điểm của mình”, ông Hughes nói. “Nhưng khi muốn bới móc những kẻ thù chính trị của mình, ông ấy làm việc đó ở nhà”, ông cho biết.

Ngay cả Tổng thống Lyndon B. Johnson, người được ghi nhận là khiếm nhã và có chiến thuật gây áp lực, “có xu hướng giao tiếp thận trọng và cẩn thận với các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao thế giới”, ông Kent Germany của Đại học Nam Carolina nhận xét.

Jon Meacham, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất về lịch sử nước Mỹ và tiểu sử của Tổng thống George H.W. Bush, mô tả nó giống như “phiên họp kín của Phòng Bầu dục hơn là một nhà lãnh đạo thế giới gọi một nhà lãnh đạo thế giới mới trong khu vực bất ổn. Nó phần nào cho thấy cách ông Trump nói chuyện với mọi người”.

Một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng, người từng tham dự hàng chục cuộc điện đàm như vậy, lưu ý rằng chúng “phản ánh tính cách của tổng thống”. Người này cho rằng cuộc điện đàm thuộc loại chưa từng có đối với bất kỳ tổng thống nào khác.

Cuoc dien dam ky la chua tung thay cua Tong thong Trump hinh anh 2
Nhà Trắng đã lên kế hoạch cho các câu chuyện trên Fox News và các cơ quan truyền thông cánh hữu khác để ám chỉ người tố giác được thúc đẩy bởi “thiên kiến chính trị”. Ảnh: AP.

Một trong những vụ bê bối nhỏ đầu tiên của Tổng thống Trump là vụ rò rỉ hai cuộc điện đàm với các đối tác nước ngoài là Tổng thống Enrique Peña Nieto của Mexico và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.

Trong cả hai trường hợp, ông Trump dường như lo ngại về việc chính sách của họ có thể khiến ông trông tệ đến mức nào. Nếu ông đồng ý tôn trọng thỏa thuận của người tiền nhiệm tiếp nhận 1.000 người di cư ở Australia, “Tôi sẽ giống như bị đánh thuốc mê”, ông Trump phàn nàn. “Điều đó sẽ giết tôi mất”, ông nói với ông Turnbull.

“Tôi là nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, người không muốn để những người này vào nước mình. Nó làm cho tôi trông rất tệ, và tôi mới chỉ ở đây được một tuần”, ông nói trước khi đột ngột cúp máy với nhà lãnh đạo Australia.

Ông khoe với ông Peña Nieto về chiến thắng bầu cử của mình, nói rằng “không ai có đám đông tụ họp lớn như tôi”. Ông nói rằng Mexico “đã tung đòn chí mạng vào chúng tôi” khi cho phép các trùm ma túy vượt biên.

“Tôi đã nói rằng tôi muốn đánh thuế những người đối xử bất công với chúng tôi ở biên giới và Mexico đang đối xử bất công với chúng tôi”, ông Trump nói.

Phong cách điển hình của Tổng thống Trump

Trong bản tường thuật cuộc gọi tháng 4/2017 bị rò rỉ ở Philippines, ông Trump nói rằng ông đã gọi điện chúc mừng Tổng thống Rodrigo Duterte, người bị cáo buộc ra lệnh bắn hạ những người bị nghi ngờ sử dụng và buôn bán ma túy trên đường phố, vì đã thực hiện “công việc khó tin về vấn đề ma túy”.

Khi ông Duterte nêu lên vấn đề Triều Tiên, ông Trump đã hỏi liệu ông có nghĩ ông Kim Jong Un là người bất ổn hay không. “Ông ấy không ổn định”, ông Duterte trả lời. “Ông ấy luôn tươi cười khi phát nổ một quả tên lửa”, ông nói.

“Vâng, ông ta có thuốc nổ, nhưng ông ta không có hệ thống phóng. Tất cả tên lửa của ông ta đều bị rơi”, ông Trump nói. “Chúng tôi có rất nhiều hỏa lực ở đó. Chúng tôi có hai tàu ngầm – loại tốt nhất trên thế giới – chúng tôi có hai tàu ngầm hạt nhân – không phải là chúng tôi muốn sử dụng chúng. Ông ta có thể bị điên nên chúng ta phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra”, ông bày tỏ.

“Gửi lời chào tới người dân Philippines giúp tôi”, ông nhắn nhủ.

Cuoc dien dam ky la chua tung thay cua Tong thong Trump hinh anh 3
Tổng thống Donald Trump nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 28/1/2017 tại Washington, DC. Bên phải là Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon khi đó. Ảnh: USA Today.

Từ các ghi chép bị rò rỉ, có thể thấy phong cách cá nhân của ông Trump trong các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới cũng giống tính cách của ông ở nhà. Một số nhà lãnh đạo nước ngoài mô tả ông là người thô lỗ, bướng bỉnh và thiếu hiểu biết.

Nhưng cuộc gọi với ông Zelensky vẫn là độc nhất khi xem xét các hành vi từ trước đến nay của ông Trump trong nỗ lực sử dụng quyền lực của tổng thống Mỹ để gây thiệt hại cho các đối thủ chính trị.

Theo ông Meacham, cả nội dung và giọng điệu của cuộc trao đổi là “trường hợp hiếm hoi một tổng thống sử dụng lời kêu gọi ngoại giao vì lợi ích chính trị khá cá nhân”.

“Có những cuộc gọi ngoại giao, có những cuộc gọi duy trì mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, và sau đó là các cuộc gọi của Trump. Theo ghi nhận của tôi, ông Trump đã gán một nhà lãnh đạo nước ngoài vào vòng tròn chính trị thân mật của mình theo cách chưa từng thấy”, ông nói.

“Đây là một ví dụ cực đoan về phong cách tự do của ông ấy. Nó không giống như ông ấy thậm chí biết những người này”, ông Meacham nói về Zelensky, người mà ông Trump đã gọi hai tháng trước để chúc mừng sau cuộc bầu cử tổng thống.

Vượt ngoài quy chuẩn

Một khía cạnh khác thường của cuộc trò chuyện là ông Trump dường như đã thực hiện nó từ dinh thự Nhà Trắng, lúc 9h03 sáng 25/7, thay vì trong Phòng Bầu dục.

Theo ông Larry Pfeiffer, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, người quản lý Phòng Tình huống Nhà Trắng dưới thời Obama, nghi thức điện đàm giữa tổng thống với các lãnh đạo nước ngoài có quy chuẩn truyền thống.

Cố vấn an ninh quốc gia hoặc cấp phó của ông sẽ thông báo với tổng thống trước vài phút rằng cuộc gọi theo lịch trình sắp diễn ra và duyệt qua các điểm đã được trợ lý chuẩn bị một lần nữa.

Cuộc gọi được kết nối và tổng thống nói chuyện với một chiếc điện thoại – có hoặc không có người phiên dịch, khi cần thiết – trong khi các trợ lý trong phòng lắng nghe. Trong Phòng Tình huống, hai hoặc ba người đánh máy đeo tai nghe cũng lắng nghe để ghi lại từng từ.

Sau đó, họ đối chiếu các phiên bản riêng biệt thành một bản tường thuật được đưa đến Hội đồng An ninh Quốc gia để hoàn thiện.

Ông Pfeiffer cho biết người tiền nhiệm của ông đã đặt ra quy trình phức tạp này. Họ đã dừng ghi âm các cuộc gọi tại Nhà Trắng vào năm 1974, khi hệ thống ghi âm trong Phòng Bầu dục của Nixon được tiết lộ.

“Theo suy đoán cá nhân của tôi, tổng thống có thể phủ nhận ở mức độ nhất định nếu nó được ghi lại bởi con người thay vì máy ghi âm”, ông nói.

Tuyết Mai/ Zing News 

Bài mới
Đọc nhiều