+
Aa
-
like
comment

Cảnh báo doanh nghiệp tham gia, tiếp tay cho buôn lậu thịt lợn qua biên giới

22/12/2019 17:56

Bộ NN&PTNT vừa đề nghị doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho cho các hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn lậu lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng có thể dùng thịt gà, bò, thủy sản để giảm áp lực lên thịt lợn, đồng thời Nhà nước cần cho nhập khẩu để giảm hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước.

Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu thịt lợn, tổ chức tái đàn đảm bảo an toàn sinh học để bổ sung nguồn cung trong thời gian tới.

Trong văn bản mới đây do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ký gửi các doanh nghiệp, Bộ này cảnh báo các doanh nghiệp tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn, buôn bán trái phép lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước.

Các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi, sản xuất đảm bảo bình ổn giá, trong đó cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá mặt hàng lợn thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chỉ đạo hệ thống, đặc biệt là các tỉnh biên giới ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Tiến, đến nay dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã có chiều hướng giảm mạnh. Cả nước hiện có trên 6.000 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch.

Có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh DTLCP.

Tuy nhiên, bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm của lợn, hiện chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị.

Để đảm bảo giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh DTLCP, kiểm soát được nguồn cung và giữ ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp tái đàn thận trọng, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.

Cơ hội để thay thói quen tiêu dùng thịt lợn

Trao đổi với PV Tiền Phong về thịt heo tăng vọt thời gian qua, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giá heo lên xuống là do thị trường điều tiết, chúng ta phải chấp nhận và khả năng tình trạng này có thể kéo dài thời gian tới.

Ông Bình cho rằng, Việt Nam không thiếu thịt, mà chỉ thiếu hụt một lượng thịt heo. Giải pháp quan trọng nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng, thay vì chỉ ăn thịt lợn, có thể chuyển sang ăn thịt gà, thịt bò, tôm, cá…

“Có người cả tháng không ăn thịt heo, hay người Hồi giáo họ không ăn cũng có sao đâu”, ông Bình nói, và cho rằng: “Cơ cấu tiêu dùng thịt heo của Việt Nam nên giảm dần từ 70% xuống 30-40%”.

Về lo ngại thiếu thịt heo cho Tết, ông Bình nói: “Tại sao chúng không ao ước miếng bò Úc, tôm hùm, cá hồi, cá thu… cho Tết, mà cứ ao ước nồi thịt heo kho”.

Sử dụng thịt gà, thủy sản…là những giải pháp nhằm giảm áp lực lên thịt lợn trong thời gian tới

Cũng theo ông Bình, nên nhìn nhận ở bình diện tích cực, coi cơn bão dịch này là cơ hội để thay đổi thói quen tiêu dùng. Lúc đó, chăn nuôi nhỏ lẻ- thường gây ảnh hưởng về môi trường sẽ thu hẹp, hướng đến chăn nuôi công nghiệp, có truy xuất nguồn gốc, giết mổ hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Xét về chất lượng, ăn thịt gà còn tốt hơn thịt heo về hệ tim mạch. Nhìn vào các thương hiệu ăn nhanh như KFC, Lotteria…làm gì có thịt heo, mà chỉ có thịt gà, phù hợp tiêu dùng giới trẻ”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện thị trường vùng biên giới của Trung Quốc với Việt Nam giá trên 300 nghìn đồng/kg, nên hút hàng là đương nhiên. Do vậy, các bộ cần tạo điều kiện, kể cả thuế để nhập thịt heo, vì để giá neo cao thì rất nguy hiểm.

“Nếu không hạ nhiệt, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi và tương lai sẽ thị trường Việt Nam sẽ thuộc các doanh nghiệp ngoại nhập thịt đông lạnh hết, thịt nóng kiểu truyền thống sẽ giảm xuống”, ông Bình nói.

Về chất lượng thịt nhập, ông Bình cho biết: Chăn nuuôi heo ở các nước có nhứng nhận GlobalGAP, giết mổ tiêu chuẩn về HACCP… Thử mình đã làm được như họ chưa, nên chất lượng của họ ăn đứt chăn nuôi, giết mổ trong nước. Chưa kể, những bộ phận như đầu heo, nầm heo, chân gà, phao câu…họ bỏ, bán giá rất rẻ, trong khi đây là món khoái khẩu ở Việt Nam, nên thịt ngoại sẽ ”, ông Bình nói

Trong khi đó, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Cty Mavin – đơn vị đang cung ứng mỗi ngày khoảng 800-1.000 con heo ra thị trường cho rằng, giá thịt heo tăng cao, cũng giống như nhiều nông sản khác là do yếu tố tâm lý, và không phản ánh đúng bản chất.

“Việc Bộ NN&PTNT kiến nghị với Bộ Công Thương nhập khẩu thịt lợn để bình giá trong nước là một giải pháp cởi mở của Bộ có lợi cho đại cục. Nếu có thêm thịt nhập về, giá lợn trong nước sẽ bình ổn ở mức vừa phải, nếu để lên cao quá sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân”, ông Lương nói.

Theo ông Lương, dịp cuối năm và Tết, do nhu cầu thịt lợn tăng cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, giá heo hơi có nơi tới 95.000 đồng/kg, nhưng đó là chỉ là một vài con thương lái mua ở trong dân ở đâu đó, số lượng ít, không phải phổ biến. Ngay ở miền Trung giá heo hơi cũng chỉ bán 84.-85.000 đồng/kg.

“Hiện nay giá của Mavin chỉ giao động từ 85.000-92.000 đồng/kg, tùy từng ngày và tùy từng vùng miền. Hiện nay chúng tôi đang cấp khoảng 800-1.000 con heo mỗi ngày”, ông Lương nói.

Nam Khánh/TP

Bài mới
Đọc nhiều