+
Aa
-
like
comment

Cán bộ, công chức 4.0 là cần tháo dỡ “vách ngăn” giữa quan và dân

29/10/2019 17:07

Việc xóa những vách ngăn vô hình giữa người cán bộ đối với nhân dân đang được Đảng ta đặc biệt lưu ý. Thế nhưng buồn thay, mấy ngày gần đây người ta lại xôn xao vụ việc ông Đoàn Thanh Tú – viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở này lại có những cư xử không đúng khi tiếp dân, chỉ vì những câu đừa cợt, vô tình làm vách ngăn quan dân hình thành.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định

Bị dân nhắc cán bộ vô tư cười, bảo:“Tôi bụng to… và đang mắc buồn đi vệ sinh”
Trao đổi với báo chí về vụ việc một cán bộ bị dân nhắc nhở rồi cười khanh khách, ngày 27/10, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định chỉ đạo, xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp ông Đoàn Thanh Tú – viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở này và báo cáo UBND tỉnh.

Sở đã có văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng công việc đối với ông Đoàn Thanh Tú (công chức Văn phòng Đăng ký đất đai) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để xác minh, làm rõ vụ việc người dân phản ánh có thái độ, lời nói chưa đúng mực, hoàn thành xử lý công việc chưa đúng trách nhiệm.

“Tôi đã thay mặt Sở TN&MT xin lỗi người dân về sự việc đáng tiếc này. Qua sự việc này, chúng tôi sẽ chấn chỉnh thái độ làm việc, phục vụ của cán bộ, viên chức thuộc đơn vị mình, không bao giờ để xảy ra sự việc tương tự. Sở TN&MT cũng đã báo cáo nhanh sự việc lên UBND tỉnh”, ông Lê Văn Tùng thông tin.

Trước đó ngày 24/10, theo phản ánh của người dân, khi họ đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Bình Định (ở 127 Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn) để liên hệ làm việc, ông Đoàn Thanh Tú đã có thái độ, lời nói ứng xử chưa đúng mực và chưa thực hiện đúng trách nhiệm hướng dẫn đối với công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại đây. Như không đeo bảng tên, khi bị nhắc nhở thì bật đứng dậy, cười khanh khách và bảo: “Tôi bụng to… và đang mắc buồn đi vệ sinh”, rồi bỏ đi.

Nhắc lại câu chuyện ở trung tuần tháng 4/2019, một clip dài hơn 6 phút được một người dân phát trực tiếp tại phòng tiếp dân của UBND tỉnh Nam Định ghi lại cảnh tượng lộn xộn, ồn ào với nội dung: “Dân chui qua lỗ để làm việc với cán bộ”.

Lỗ ở đây là một ô nhỏ được khoét sẵn trên vách kính ngăn cách giữa bộ phận cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân và người dân đến liên hệ làm việc. Mọi giao tiếp của người dân với cán bộ, công chức đều thực hiện qua ô nhỏ đó. Dư luận xôn xao, báo chí lên tiếng và chính quyền tỉnh Nam Định đã vào cuộc xử lí.

Khu vực tiếp công dân đã được cải tạo lại nhưng cái vách ngăn ấy vẫn được giữ nguyên, có chăng là cái ô nhỏ trên đó được sửa lại… nhỏ hơn để người dân có muốn chui qua lỗ cũng không thể chui được. Lí giải vấn đề này, một lãnh đạo Ban Tiếp công dân tỉnh Nam Định giải thích là “Tấm kính dựng lên để đảm bảo an toàn cho cán bộ phòng khi xảy ra sự cố”.

Bộ phận "một cửa" mà giữa quan và dân vẫn còn có những khoảng cách tấm vách ngăn
Bộ phận “một cửa” mà giữa quan và dân vẫn còn có những khoảng cách tấm vách ngăn

Lời giải thích này càng khiến dư luận thất vọng, bởi ở nơi được xem là “gần dân” nhất, nơi người dân trực tiếp đến để trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình thì chính những người được giao nhiệm vụ tiếp dân lại luôn thường trực một tâm lí đề phòng, một nỗi ám ảnh rất mơ hồ

Đáng buồn hơn là những vách ngăn vô hồn ấy lại được dựng lên ở hầu khắp các bộ phận “Một cửa”, nơi mà lẽ ra sự gần gũi và thấu hiểu cần phải được đặt lên hàng đầu. Cũng xin lưu ý là không có một quy định nào bắt buộc ở bộ phận “Một cửa” hay phòng tiếp công dân phải lắp vách ngăn giữa cán bộ, công chức với người dân.

Có thể nói, hai trường hợp trên chính là thứ văn hóa không nhúc nhích, văn hóa để “nước đến chân mới nhảy”, văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi. Mà Thủ tướng Chính phủ đã cố gắng giải quyết triệt để trong thời gian vừa qua, nhưng hiện nay vẫn tồn tại và xuất hiện ở một số cơ quan trong nhà nước.

Để tháo dỡ “vách ngăn” giữa quan và dân, người cán bộ cần vừa có tâm vừa có tầm
Hiện nay thông tin bùng nổ, quyền dân chủ của người dân ngày càng được đề cao, việc những người đại diện cho cơ quan công quyền tiếp công dân cần nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là những chuyên môn sâu… nhằm làm hài lòng người dân là rất cần thiết.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy hoạt động tiếp công dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực tạo được niềm tin cho đại bộ phận công dân. Tuy nhiên bên cạnh đó một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp dân chưa làm tốt nhiệm vụ chức năng của mình. Hiện tượng thờ ơ, vô cảm, quan liêu hách dịch, nhũng nhiễu, thậm trí còn thách đố: “anh (chị) cứ khiếu kiện thoải mái, chỉ sợ không có sức”…

Nhiều trường hợp còn vòi vĩnh, mặc cả gây khó dễ để kiếm phong bì, phong bao; có người mất cả phong bì, phong bao cuối cùng cũng không được việc rồi không biết đòi ai. Người dân cho rằng nỗi khổ nhất là đi làm thủ tục hành chính, nghe đến là đã ngại rồi, chưa muốn nói là sợ, đơn từ xã chuyển đến huyện rồi lên tỉnh, trung ương sau lại kính chuyển về chỗ ban đầu, và không dễ gì mà người đời lại có câu “hành dân là chính”.

Thực tế người dân chẳng ai muốn đi khiếu kiện, bởi nó phiền hà, rắc rối, mất tình nghĩa, nhưng có lẽ cực chẳng đã đẩy họ vào nghịch cảnh không thể không khiếu lại. Như câu chuyện rớt nước mắt thu hồi đất khu đô thị Thủ Thiêm, chính quyền cưỡng chế người dân không có nhà ở mất đất hàng chục năm, dự án treo làm nhà thì không được phép, sửa thì không xong, hay câu chuyện vẫn còn nóng hiện nay là xin giấy khai tử… Và những cán bộ làm sai không bị xử lý vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Tất cả những điều đó làm cho người dân đi khiếu nại trong tâm trạng rất bức xúc, đứng ngồi không yên, không giữ được bình tĩnh, thậm chí “nói tục”, “chửi thề” là không tránh khỏi. Thực tế là họ coi đến chỗ tiếp công dân để mà “xả” những nỗi bức xúc ấy. Những điều đó tạo ra rất nhiều áp lực, thách thức cho cán bộ tiếp dân.

Nhắc về việc này, chúng ta không thể không nhắc đến Hồ Chí Minh, Bác luôn dạy cán bộ phải lắng nghe dân, hiểu dân, là công bộc của nhân dân. Thế nhưng, hiện nay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên còn không ít những người chỉ học trên lý thuyết còn thực tế thì xa dân, lên mặt với dân. Miệng nói phục vụ nhân dân, nhưng trong lòng lại chỉ muốn nhân dân phục vụ mình.

Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh gói gọn trong mấy chữ: Trọng dân, gần dân, hiểu dân và học dân… Chỉ có điều có cán bộ học thì thuộc nhưng thực hành lại… kém, đến nỗi phải dùng chế tài bằng luật pháp về việc tiếp dân mà vẫn cứ lơ là.

Khi đã luật hóa việc tiếp công dân thì phải hiểu, không đơn thuần là chuyện lãnh đạo gặp gỡ lắng nghe dân mà còn là trách nhiệm thực thi luật pháp. Không tiếp dân tức là không chấp hành quy định của pháp luật.

Một số lãnh đạo ngành, địa phương viện dẫn lý do bận nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân. Đấy chỉ là ngụy biện, với những cán bộ như thế, câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp & pháp luật” vẫn chỉ là khẩu hiệu treo tường mà thôi. Họ không muốn tiếp dân vì sợ trách nhiệm, vì ngại đối mặt với dân, coi thường dân hay vì năng lực lãnh đạo yếu kém?

Cái sảy nảy cái ung. Từ một việc nhỏ dân khiếu kiện, không lo giải quyết rốt ráo mà cứ lẩn tránh, đùn đẩy thì càng khiến vấn đề thêm phức tạp; kẻ nhũng nhiễu có cơ hội lấn tới, niềm tin của nhân dân bị xói mòn.
Phạm Minh Hà

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều