+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đọc tin xấu là vô tình nuôi sống tin xấu

08/11/2019 09:34

Nếu như chúng ta đọc một tin xấu, vô tình nuôi cho tin xấu sống, người đưa tin xấu tăng view có thu nhập – bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói tại phiên chất vấn sáng 8-11.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tin xấu độc nhiều khi do chính ta mà ra - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Ảnh: Quochoi.vn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng có thời gian đến 14h35 chiều nay 8-11 để trả lời chất vấn về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; môi trường mạng.

Ông Hùng cũng sẽ thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Cách ly tin xấu với người sử dụng mạng?

Liên quan đến tin xấu độc, hai đại biểu bấm nút tranh luận trước phần trả lời của bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt vấn đề, thực tế có những trang như Khá “bảnh” có đến hàng triệu view. Hay có những trạng mạng giả trang Chính phủ đưa ra những thông tin chính thống nhưng khéo léo đưa thông tin giả vào.

Giữa các thông tin “hư hư thật thật”, người dân không thể phân biệt đâu tin giả, đâu là tin thật. Theo ông Tuấn, với tư cách cơ quan quản lý, Bộ TTTT cần có bộ lọc, tách biệt và cách ly tin xấu với người sử dụng mạng.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng nói lấy làm tiếc khi bộ trưởng trả lời 55 triệu người Việt dùng facebook, nhưng bộ trưởng mới chỉ đưa ra giải pháp tình thế mà chưa đưa giải pháp nào căn cơ để ngăn chặn tin xấu độc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nhà mạng khi vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Hiện chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ trong việc gỡ tin xấu độc. Đối với những trang mạng của Việt Nam chúng tôi yêu cầu phải có công cụ rà soát, lọc tin xấu đọc.

Hiện nay chúng ta đã có công cụ, vấn đề là phải chia sẻ cho các bộ, địa phương để cùng rà soát, lọc trong lĩnh vực quản lý. Không chỉ có bộ TTTT rà soát, lọc tin. Khi rà soát, chúng ta có hai cơ chế yêu cầu nhà mạng hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước gỡ”, ông Hùng nói.

Xem tin xấu độc, tin giả nên bấm dislike

“Chúng ta là đất nước có chủ quyền, không chỉ chủ quyền biển đảo, đất liền, trên không mà có chủ quyền trên không gian mạng xã hội”, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội có 2 mặt. Ví dụ Facebook có khoảng 50 triệu người VN tham gia, không chỉ là câu chuyện đời tư mà còn nhiều hoạt động khác, trong đó có hoạt động kinh tế. Vì vậy chúng ta xây dựng hành lang pháp luật để bảo vệ.

“Năm 2019 chúng ta đã xây dựng các kịch bản, các tình huống để ứng xử với các vấn đề mạng xã hội. Nguyên tắc là đến VN thì phải tuân thủ pháp luật VN, kinh doanh thì phải đóng thuế”, bộ trưởng nói.

Ông cho rằng để hoạt động trên mạng xã hội lành mạnh, giảm tác động xấu thì giáo dục là giải pháp căn cơ. Các quốc gia đều coi chuyện mỗi người dân có khả năng phân biệt thông tin sai, thông tin giả, có khả năng đấu tranh, phản biện là giải pháp căn cơ. Nếu người dùng xem một thông tin xấu, thông tin sai là tạo điều kiện cho thông tin đó pháp triển.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều