+
Aa
-
like
comment

Bạo lực xã hội ngày càng gia tăng và trách nhiệm cơ quan nhà nước

27/09/2019 16:03

Bạo lực xã hội đã và đang có xu hướng gia tăng. Ngày nào truyền thông cũng đầy rẫy các thông tin về xô xát, đâm chém, giết người, về các âm mưu thủ đoạn hãm hại nhau…. Bạo lực là một báo hiệu xấu không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai. Điều đó hầu như ai cũng biết. Nhưng hình như không phải tất cả mọi người đã nhận diện đầy đủ về nó.

Điều gì khiến những vụ bạo lực ngày càng gia tăng?

Bạo lực trong xã hội ngày càng gia tăng và đã đến lúc chúng ta phải lãnh lấy trách nhiệm, không thể thoái thác. Bởi không phải bây giờ, thì bao giờ? Không phải chúng ta thì sẽ là con cháu chúng ta mà thôi. Có người nói, giờ đây họ không dám đọc báo hàng ngày nữa, vì hầu như ngày nào cũng có tin đâm chém, bạo hành, cướp giết…

Trong khi mọi người còn chưa nguôi ngoai vì một em nhỏ phải chết ngay trong ngày đầu tới trường, người ta lại phải đón nhận thông tin về một vụ án kinh hoàng mà hung thủ ra tay tàn ác không chút động lòng lên chính người thân của mình, trong đó có em nhỏ mới hơn 1 tuổi.

Vẫn biết thời nào thì cũng có những kẻ mà máu nóng che lấp mất trí khôn, nhưng dù phàm phu tục tử, nóng nảy, mất nhân tính tới đâu, họ vẫn còn giới hạn trước người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai… Thế nhưng ngày nay, từ những cô giáo mầm non cho tới người thân trong gia đình cũng có thể ra tay tàn nhẫn với những sinh linh bé nhỏ, những kẻ chân yếu tay mềm không có một chút năng lực phòng vệ.Chỉ vì mâu thuẫn với anh em trong nhà, mà kẻ hành ác cam tâm giết hại cả gia đình em trai, con dâu và cháu mình với thái độ máu lạnh và hành động tàn ác kinh hoàng. Vụ án đang làm xã hội phẫn uất.

ngocdong123
Bùi Xuân Hồng làm việc tại cơ quan công an.

Điều gì đã khiến xã hội ngày càng bạo lực như vậy? Có thể nói một phần là do luật pháp không nghiêm, nhưng nếu nói chỉ là do luật pháp thì vẫn chưa đủ. Đây là một hiện tượng bất thường, phản ánh một xu hướng vận động tiêu cực, đi ngược với sự tiến bộ của các mối quan hệ xã hội. Giới trí thức là bộ phận “có học”, có hiểu biết, có ý thức cá nhân cao, vì thế, cách ứng xử của họ thường được xem là chuẩn mực.

Nhưng nay, bạo lực xã hội đã xâm nhập vào giới trí thức, những người có học có hiểu biết xã hội, khiến một phần trong số họ ứng xử với nhau không giống với những gì đáng ra họ phải có theo hình dung của mọi người. Rõ ràng đang có sự suy thoái về văn hóa ứng xử trong giới trí thức.

Sự tha hóa về văn hóa giao tiếp, ứng xử xã hội khiến bạo lực “lên ngôi”, gây tổn thương sâu sắc cho xã hội không chỉ trong hiện tại mà với cả tương lai. Một xã hội không nỗ lực đấu tranh loại trừ sự hành hoành của bạo lực là một xã hội đang suy tàn.

Mặt khác, nếu cuộc đấu tranh chống lại bạo lực kém hiệu quả, hoặc thậm chí còn kích thích sự gia tăng bạo lực xã hội, thì chắc chắn dẫn đến sự rạn nứt, đổ vỡ trên mọi phương diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa v.v…Mỗi một thông tin về bạo lực xã hội là một tín hiệu báo động về tương lai cho tất cả chúng ta.

Nói do pháp luật không nghiêm thì cũng chưa đúng, bởi pháp luật chỉ có thể trừng phạt những tội ác đã xảy ra rồi, không có pháp luật kiện toàn nào có thể chế ước được những mầm mống tà ác từ trong suy nghĩ.

Tất nhiên sự nghiêm minh của pháp luật có thể khiến người ta vì sợ mà không dám hành động sai, nhưng khi những suy nghĩ điên loạn, lệch lạc hình thành mà không có một sự ước thúc nào thì chỉ cần có điều kiện thuận lợi, nó sẽ phát tác thành hậu quả khôn lường.

Hơn nữa pháp luật cũng là do con người viết nên, không ai dám đảm bảo rằng họ có thể dự đoán được trước mọi khả năng có thể vi phạm của con người để viết ra bộ luật không có sơ hở. Vì thế nên luật pháp cũng luôn phải bổ sung, hoàn thiện, chạy theo sau sự sa đọa của đạo đức xã hội.

Đạo đức xã hội xuống cấp là trách nhiệm chung

Đầu năm 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét như vậy tại hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) năm 2019 do Bộ VH-TT-DL tổ chứ. Phó thủ tướng cho rằng hiện trạng đạo đức xã hội xuống cấp là trách nhiệm chung, từ Đảng, Nhà nước cho tới từng người dân và ông với tư cách là phó thủ tướng phụ trách văn hóa – giáo dục, sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân trước tiên.

“Đạo đức xã hội xuống cấp tất nhiên thuộc trách nhiệm chung nhưng trách nhiệm trước tiên thuộc về tôi và bộ trưởng Bộ VH-TT-DL”, ông Đam nói.

Lo lắng trước hiện trạng đạo đức xã hội đầy nhức nhối, ông Đam chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa trong năm 2019 sẽ phải là “xắn tay” vào vực lại đạo đức xã hội.

Việc làm cụ thể mà phó thủ tướng chỉ đạo đó là trước mỗi vụ việc “nóng” về đạo đức xã hội xảy ra, người của ngành văn hóa phải lên tiếng phân tích đâu là tốt, đâu là xấu để “định hướng cho xã hội”.

Một việc nữa mà phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý với bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đó là phải đưa bộ này “quay lại đúng ý nghĩa là một Bộ Lễ”.

Bộ cần phải có những hành động tích cực để xây dựng một xã hội với những chuẩn mực trong nghi thức giao tiếp như chuyện ăn mặc, đi đứng, nói năng… “Có những việc như chen lấn xô đẩy nơi công cộng, tuy là việc bé thôi nhưng trách nhiệm của những người làm văn hóa cũng rất cần phải chú ý tìm cách chấn chỉnh”.

Nhưng tính đến thời điểm này có thể nói, đạo đức và bạo lực xã hội vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, thậm chí là đã có những dấu hiệu bạo lực trở nên sâu hơn. Khi trong chính những người thân trong gia đình ở một số địa phương như Đan Phượng, Thái Nguyên vì tranh chấp tài sản nên đã chém giết, tàn sát lẫn nhau.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điều kiện sinh hoạt vật chất của cán bộ và nhân dân ta còn rất khó khăn và thiếu thốn, nhưng các quan hệ xã hội đều thấm đẫm tình người. Hình ảnh “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Việt Bắc”, quả đã phản ánh đúng lối sống của người Việt Nam ta một thời gian khó. Việc nhân dân tự động phá nhà mình để làm đường cho xe chở pháo ra mặt trận, cũng là chuyện phổ biến trong những năm tháng chiến tranh.

Hơn 10 năm trước, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX có đưa ra một kết luận vô cùng quan trọng: phải gắn kết nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng với xây dựng nền tảng tinh thần là văn hóa. Đó là 3 chân kiềng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Tư tưởng đó thể hiện mối quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần, tôn vinh con người, coi con người là động lực và mục tiêu của các hoạt động kinh tế và xã hội. Quán triệt thật tốt tư tưởng chỉ đạo đó sẽ là giải pháp có tính chiến lược cho sự phát triển bền vững đất nước – có nghĩa là bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và con người.

Trong giải pháp có tính chiến lược đó, việc tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thực sự là đạo đức, văn minh, như Bác Hồ đã dạy, phải là khâu đột phá cực kỳ quan trọng. Khi Đảng thực sự là đạo đức, văn minh, thì mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mới thành “đạo nghĩa” của dân tộc, các cán bộ, đảng viên mới thực sự trở thành tấm gương sáng cho mọi người. Khi đó, và chỉ khi đó đạo đức mới trở thành lẽ sống, lối sống cho mọi người

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều